Review sách Đường xưa mây trắng

Đường xưa mây trắng (Thích Nhất Hạnh)

Đường Xưa Mây Trắng là cuốn sách kể chuyện đời đức Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Đó là chú bé cúng dường cỏ bồ đề cho sa môn Tất Đạt Đa tĩnh tọa suốt 49 ngày trước khi thành đạo.

Tác phẩm là một thiên anh hùng ca tỏ bày lòng ngưỡng mộ chân thành trước một lối sống gương mẫu đầy những hành vi và mục đích cao cả, thu hút bạn đọc bởi nhân cách vĩ đại của Buddha qua cái nhìn và ngòi bút của Thầy Thích Nhất Hạnh. Đường Xưa Mây Trắng đã bán được hơn 1 triệu bản tại bắc Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng; trong đó có tiếng Hindu. Chính vì thế mà nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kumar Modi sau khi đọc Đường Xưa Mây Trắng đã nói với phóng viên tờ Hollywood Reporter: “Tôi tìm được Đường Xưa Mây Trắng từ hai năm nay, cuốn sách đã thay đổi đời tôi và nay đến lượt tôi phải chia sẻ hạnh phúc ấy với thế giới “.

Ông đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo Đường Xưa Mây Trắng dựng thành phim. Tỉ phú Bhupendra Kumar Modi hy vọng bộ phim có thể được chọn chiếu ở Liên hoan phim Cannes 2008.

1 - Đương xua may trng-min
Ảnh: Phatgiao.org.vn

Thông tin về Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Thích Nhất Hạnh là một nhà sư Phật giáo, nhà giáo, tác giả, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình Việt Nam, hiện sống ở Tây Nam nước Pháp, nơi ông lưu vong nhiều năm. Sinh ra là Nguyễn Xuân Bảo, Thích Nhất Hạnh gia nhập một thiền viện (tiếng Việt: Thiền) năm 16 tuổi và theo học Phật pháp tại một thiền viện. Khi xuất gia vào năm 1949, ông lấy pháp danh là Thích Nhất Hạnh. Thích là một họ danh dự được sử dụng bởi tất cả các tăng ni Việt Nam, có nghĩa là họ là một phần của gia tộc Shakya (Phật Thích Ca). Ngài thường được coi là nhân vật sống có ảnh hưởng nhất trong dòng thiền Lâm Tế (Việt Nam Rinzai), và có lẽ cả trong Thiền tông nói chung.

2 - Thich nhat hanh-min
Ảnh: Vietnamnet.vn

Tổng hợp review sách Đường xưa mây trắng

Review từ bạn Phương Lan – Goodreads, 9/2017

“Cuốn sách kể về con đường tìm ra Đạo và truyền Đạo của Đức Phật Thích Ca qua cái nhìn và ngòi bút của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Với đức độ và đạo hạnh cao ngời của Phật, trên từng chặng đường Phật đi qua, Người đã giúp rất nhiều người giác ngộ ra những chân lý của cuộc sống nhiệm màu; Hiểu được thế nào là vô thường, vô ngã bằng phương pháp quán chiếu; hiểu được vạn vật đều có tính liên hệ với nhau theo quy luật nhân – quả, vạn vật cũng luôn luôn biến chuyển và tàn hoại bao hàm trong các lĩnh vực là 5 uẩn, 6 căn, 6 trần và 6 thức …. Cuốn sách chứa đựng nhiều triết lí sâu sắc qua những lời giảng của Phật.
Cuốn sách để lại cho tôi nhiều bài học đáng quý. Sau khi đọc cuốn sách, tôi nhận thấy rằng những gì trước đây mình cho là đúng, là chuẩn mực, là quan trọng thực sự không phải như vậy nữa. Cuốn sách cũng cho tôi một cái nhìn mới mẻ hơn về bản thân mình, về cuộc sống, về những đạo lý làm người cũng như cách đối diện với mọi sự việc xảy đến trong cuộc sống. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy nguồn gốc của các triết lý sống, các sách kĩ năng, hay các sách phát triển cá nhân đều xuất phát từ các giáo pháp của Phật.

“Bụt đã ghi dấu chân trên mọi nẻo đường hành hóa. Đi đâu đại đức cũng sẽ dẫm lên dấu chân của người. Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ sẽ mầu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại. Những đám mây trắng ngày xưa còn đó và con đường ngày xưa hiện thực nằm dưới chân ta.””

Review từ bạn Nhất Chi – Goodreads, 6/2021

“Cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, còn có một tên gọi khác là Theo gót chân bụt. Cuốn này đọc lần đầu là mượn sách thư viện, sau đó yêu thích đến mức đã đặt mua một cuốn để làm sở hữu của riêng mình. Không thể cưỡng lại được ý muốn đó với rất nhiều cuốn sách.

Lần đầu tiên được tiếp xúc với đức Phật một cách toàn vẹn nhất, và đơn sơ nhất. Mọi yếu tố thần thánh đã được thiền sư loại bỏ, đức Phật hiện ra như một con người trần tục nỗ lực từng bước một để đi đến bờ giải thoát. Sau khi giác ngộ, người quay trở lại với thế gian để giúp những người khác cũng đến được bờ giác ngộ như mình.

Muốn trích vài câu nói hay của đức Phật vào đây mà thấy mình chẳng nhớ được câu nào hoàn chỉnh. Đành chép lại 4 câu thơ mình khá thích do thiền sư Nguyên Tuệ dạy, dù rằng đây cũng là lời của Phật:

Đường này đến thế gian
Đường kia tới niết bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Phải phân biệt rõ ràng.”

Review từ bạn Lizz D – Goodreads, 4/2016

“Mình đọc quyển này vì thắc mắc “Đường xưa mây trắng” ý nghĩa là gì chớ thật ra trước giờ ít đọc thể loại này lắm.
Tác phẩm văn học Phật giáo hiếm hoi mà mình ngồi đọc tới hết nổi. Những câu chuyện về Đức Phật trong đó mình không lạ vì được nghe nhiều lần rồi, lần được nghe nhiều nhất chắc là lần đi chùa Ao Bà Om ở Trà Vinh được một người bạn làm du lịch kể, nhưng cách tác giả khéo léo lồng ghép giáo lí Phật pháp và hạn chế yếu tố “thần thánh” giúp mình không thấy khó chịu (dẫn đến không tin) như nhiều sách khác. Với lại mình rất là không thích tôn vinh một người bằng cách tạo ra hình tượng toàn vẹn, không một vết nhơ… của người đó vì đây là cách PR rất rất sai lầm; thay vào đó mình thích hình tượng “chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện từng ngày” hơn.
Mình thích cách tác giả đặt tên cho từng chương (Đi để mà đi, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài). Chưa biết nội dung bên trong ra sao nhưng cách đặt như vậy luôn khiến mình suy nghĩ, tò mò muốn biết rồi thế nào cũng đọc thêm cho hết chương để xem ý ông tác giả ổng muốn nói cái gì.
Đọc xong biết thêm một điều nữa là Đức Phật còn có thể gọi là “Bụt”, lâu nay mình cứ nghĩ “Bụt” là để chỉ mấy ông tiên, bà tiên hay xuất hiện mỗi khi nhân vật nam/nữ chính lâm vào bế tắc đang ngồi khóc lóc thảm thiết (hậu quả do hồi nhỏ đọc chuyện cổ tích nhiều quá).
“Bụt đã ghi dấu chân trên mọi nẻo đường hành hóa. Đi đâu đại đức cũng sẽ dẫm lên dấu chân của người. Đường xưa còn đó, những đám mây trắng vẫn còn, nếu mình bước một bước trên con đường này, bước với tâm trạng an hòa và tỉnh thức, thì con đường xưa và những đám mây trắng cũ sẽ mầu nhiệm biến thành con đường hôm nay và những đám mây trắng trong hiện tại. Những đám mây trắng ngày xưa còn đó và con đường ngày xưa hiện thực nằm dưới chân ta”. Vậy tức là nếu tâm hồn mình “an hòa và tỉnh thức” tức là mình đã đi chung con đường với Bụt rồi.
“Đạo” là “đường”, là lý tưởng, ai cũng phải tìm cho mình một “đạo” để đi. Có người thấy “đạo” của mình giống với “đạo” của Bụt, có người thấy giống với Chúa, có người không giống Bụt cũng không giống Chúa…Nhưng suy cho cùng thì mục đích cuối cùng của những con đường là để đi đến chỗ có hạnh phúc đó sao?”

3 - đường xưa mây tắng-min
Ảnh: Phatgiao.org.vn

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Đường xưa mây trắng.

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Trà My

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB