Review sách Bố Già

Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.

Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một phó triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử.

Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.

1 - bo gia-min
Ảnh: Reviewsachaz.com

Thông tin về tác giả Mario Puzo

Puzo sinh ra trong một gia đình nghèo người Neapolitan nhập cư sống trong khu phố Hell’s Kitchen ở New York. Nhiều cuốn sách của ông chủ yếu viết về di sản này. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Thành phố New York, ông gia nhập Lực lượng Phòng không Lục quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Do thị lực kém, quân đội đã không để ông làm nhiệm vụ chiến đấu mà phong ông làm nhân viên quan hệ công chúng đóng quân tại Đức. Năm 1950, truyện ngắn đầu tiên của ông, The Last Christmas, được xuất bản trên tạp chí American Vanguard. Sau chiến tranh, ông viết cuốn sách đầu tiên của mình, The Dark Arena, được xuất bản vào năm 1955.

Vào những năm 1950 và đầu những năm 1960, Puzo từng là nhà văn / biên tập viên cho nhà xuất bản Martin Goodman’s Magazine Management Company. Puzo, cùng với các nhà văn khác như Bruce Jay Friedman, đã làm việc cho dòng tạp chí dành cho nam giới của công ty, các tựa báo giấy như Male, True Action và Swank. Dưới bút danh Mario Cleri, Puzo đã viết các tính năng phiêu lưu trong Thế chiến II cho True Action..

Puzo đã viết bản thảo kịch bản đầu tiên cho bộ phim thảm họa Earthquake năm 1974, bộ phim mà ông không thể tiếp tục thực hiện do đã cam kết với Bố già phần II. Puzo cũng đồng sáng tác Superman của Richard Donner và bản thảo gốc cho Superman II. Ông cũng hợp tác viết truyện cho bộ phim A Time to Die năm 1982 và bộ phim The Cotton Club năm 1984 của Francis Ford Coppola.

Puzo chưa bao giờ thấy xuất bản cuốn sách áp chót của mình, Omertà, nhưng bản thảo đã được hoàn thành trước khi ông qua đời, cũng như bản thảo của The Family. Tuy nhiên, trong một bài đánh giá ban đầu được xuất bản trên San Francisco Chronicle, Jules Siegel, người đã làm việc chặt chẽ với Puzo tại Magazine Management Company, suy đoán rằng Omertà có thể đã được hoàn thành bởi “một số vụ hack không có tài năng.” Siegel cũng thừa nhận sự cám dỗ để “hợp lý hóa việc tránh những gì có lẽ là phân tích chính xác – rằng [Puzo] đã viết nó và điều đó thật khủng khiếp.”

Puzo qua đời vì suy tim vào ngày 2 tháng 7 năm 1999 tại nhà riêng ở Bay Shore, Long Island, New York. Gia đình anh hiện sống ở East Islip, New York.

2 - Mario Puzo-min
Ảnh: Toplist.vn

Tổng hợp review sách Bố Già

Review từ bạn Lạt Đà – Goodreads, 5/2018

“Mình thích đọc những quyển sách dạy mình 1 điều gì đó và trong đó có cuốn Bố Già. Ngày đầu đọc, mình ko quan tâm lắm đến review hay bìa, thấy nó nổi tiếng, nên đọc. Đáng lắm, ngay từ phần mở đầu, tác giả đã khiến độc giả phải tò mò, về một người đàn ông tài giỏi nào đó, quyền lực nào đó mà bất kỳ khó khăn nào cũng đều được giúp đỡ. Một người như vậy, rất xứng đáng là Godfather.
Cốt truyện ko quá kiểu trinh thám, đọc xong chẳng hiểu gì sất chỉ mong mở trúng đáp án. Bố già tạo từng mối thắt nhỏ rồi dần gỡ, giải thích cặn kẽ cho người đọc hiểu, từ cảm xúc, bi kịch, mất mát, giải quyết và cả quyền uy. điều bất ngờ nhất đó là tác giả đã tạo 1 nút thắt khổng lồ ngay từ đầu rồi bao khúc mắc lại được giải quyết vào lúc kết, ko ai biết, ko ai nói ra, ngoài tác giả.
Khiến độc giả chìm trong thế giới mafia nước Mỹ thế kỷ 19, rất thực tế, rất dễ hiểu. rất ly kỳ và đáng trải nghiệm, theo mình nghĩ mấy cuốn lịch sử Mỹ những năm 19 khô khốc vứt xó đi, đọc quyển này là quá nhiều trải nghiệm.
Điều mình thích nhất đó là được học hỏi từ lối sống, tính cách của cậu út, táo bạo, gan lỳ, sắc sảo thông minh, lỳ như đá im như thóc… là những thứ cần trong xã hội khắc nghiệt thế kỷ 20 này.
Cấu trúc truyện khỏi chê, rất chắc chắn, lời kể cũng logic hài hòa, nhân vật được tự do thể hiện, một cuốn tiểu thuyết thực tế đến mức mình muốn đập nó vào mặt mấy đứa ngôn tình thích những tình cảm lãng xẹt.”

Review từ bạn Mau Ha Quang – Goodreads, 1/2020

“Một cuốn sách hay về mafia – thế giới ngầm của bất cứ xã hội nào.

Với bối cảnh trong khoảng thời gian biến động sau thế chiến thứ 2 tại Mỹ, Bố già là một tác phẩm hay về đàn ông cho người đọc là đàn ông để hiểu được sự gian nan, vất vả của nghĩa vụ cao quý bậc nhất – bảo vệ gia đình. Nhưng chẳng phải trong khi bảo vệ gia đình của chính mình, Vito và Michael đã phá vỡ gia đình của nhiều người khác? Bản thân gia đình Corleone cũng có được một kết cục viên mãn? Điều này khiến người đọc cũng phải suy nghĩ chứ không đơn giản chỉ gấp sách lại gật gù với những câu chuyện cool ngầu của các ông trùm.

Kết lại, qua ngòi bút của Puzo (và đặc biệt bản dịch của Ngọc Thứ Lang), thế giới mafia hiện lên một các rất đời, rất tình và đầy hấp dẫn. Kết cấu chuyện chặt chẽ và hợp lý. Nên xem phim trước khi đọc truyện để khỏi thất vọng, dù cho The godfather vẫn là một trong những bộ phim đỉnh nhất trong lịch sử Hollywood. Trừ 1 sao cho sự kết thúc có phần hụt hẫng.”

Review từ bạn Minh Nhân Nguyễn – Goodreads, 4/2015

“Cuốn sách này xứng đáng được 5 sao, tuy còn nhiều chỗ mình không thích cho lắm.

Nếu bạn nghĩ đọc cuốn tiểu thuyết này sẽ cho ta cái nhìn sâu bên trong cuộc sống của giới Mafia ở Mỹ, những mưu đồ, tính toán, những ông trùm quyền lực, những sát thủ lạnh lùng, những cuộc đấu súng trả thù đẫm máu thì… bạn đã đúng rồi đấy. Chính những yếu tố này đã làm nên sự thu hút của cuốn sách, mở ra một thế giới lạ lẫm, đầy nguy hiểm và kích thích người đọc. Tuy vậy, đọc thì thú vị thật nhưng một số đoạn tác giả mô tả hơi bị chi tiết những nguyên tắc của giới mafia, hay là bày ra cụ thể đặc điểm từng phe nhóm, với số lượng các phe cũng không phải là ít, làm cho việc đọc những phần này cần phải ghi nhớ nhiều chi tiết thành ra đọc chậm, khó nhớ và hơi chán. Tuy nhiên đọc xong hết cả quyển sách rồi thì mình thấy những phần đó đọc cũng đáng, cho mình cái nhìn cụ thể, toàn cảnh hơn về thế giới trong sách.

Điểm đặc sắc tiếp theo là về nhân vật. Tính ra thì cuốn này có hệ thống nhân vật khá phong phú, nhưng sau khi đọc xong mình vẫn có thể nhớ rõ những nét đặc trưng, cảm thấy gần gũi với từng nhân vật trong truyện. Điều đó cho thấy cái tài trong xây dựng nhân vật của tác giả. Mở đầu cuốn sách, nhân sự kiện đám cưới cô con gái út, tác giả đã có dịp cho các nhân vật tề tựu lại và giới thiệu những nét sơ lược về tính cách của họ, mỗi người đều có một đặc điểm riêng biệt, phần nào đó dự báo kết cục sau này. Nhưng không chỉ qua mô tả của tác giả, người đọc cũng có thể dễ dàng nhận ra những nét tính cách này một cách rõ ràng, chân thật thông qua những hành động, suy nghĩ của họ ở các diễn biến sau đó.

Hầu như nhân vật nào cũng có sự dung hòa của hai mặt bên trong mình, không có ai tốt hoàn toàn cũng không ai xấu hoàn toàn. Truyện có nhiều đoạn hồi tưởng, lúc đầu khi mới làm quen với các nhân vật có thể thấy xa lạ, còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhưng càng đọc về sau, khi đã biết được quá khứ của họ thì ta sẽ hiểu rõ các nhân vật đó hơn.

Mỗi chương đi theo một tuyến nhân vật. Trong đó thì mình không thích tuyến truyện của Johnny Fontane cho lắm vì nó hầu như tách biệt với tuyến truyện nói về sự tranh đấu của giới mafia mà nói về cuộc sống ở Hollywood nên đọc đến phần của anh chàng này là thấy chán hơn hẳn. Một phần nữa là do mình không thích nhân vật này.

Điều khiến cuốn sách này đọc rất đã, rất thấm là do những nguyên tắc sống, cách nghĩ về tình bạn, về cuộc đời của ông trùm Vito Corleone rất đáng nể và đáng học hỏi. Và dù sách về sau có xây dựng nên nhân vật lớn khác nhưng mình thấy không thể so được với “Bố già” này ở những điểm đó.

Cuốn sách này có một chủ đề đặc sắc, xây dựng nên những nhân vật tiêu biểu, đưa ra nhiều triết lý tầm cỡ. Nhưng một số đoạn theo mình lại mang tính “thị trường” quá, đưa những cái hào nhoáng, phô trương ra nhằm lôi kéo người đọc. Chính điều đó khiến mình cảm thấy cuốn sách này chưa đạt đến tầm một tác phẩm kinh điển được. Một điểm nữa mình thấy chưa ổn, dù chỉ thoáng qua, là tư tưởng thành kiến của cuốn sách. Xem thường phụ nữ, chồng bạo hành vợ, hạ thấp người da đen là những điểm khi đọc khiến mình hơi khó chịu. Đó cũng chỉ là tư tưởng của những nhân vật trong sách, tác giả không hề cho thấy ý kiến của mình về các vấn đề đó, và đây cũng là thế giới mafia, không phải nơi cái tốt được tôn vinh, nhưng đọc những đoạn này mình vẫn thấy khó chịu.

Tuy vậy, qua những nhân vật “ngoài lề” như bà trùm, như Kay, đặc biệt là qua đoạn cuối sách, tác giả đã cho thấy cái nhìn trọn vẹn về thế giới mafia. Qua bao tranh đấu giành quyền lực, tiền tài, địa vị, ai còn ai mất thì điểm đến của những con người trong thế giới đó đâu khác gì nhau, mà chỉ mong việc thành tâm cầu nguyện mỗi ngày có thể phần nào cứu rỗi linh hồn họ.

Nói về cuốn sách này thì cũng cần nói về bản dịch. Trước khi đọc sách mình đã nghe nhiều người khen bản dịch của Ngọc Thứ Lang mới đúng chất giang hồ lãng tử, là bản dịch hay nhất của cuốn này. Rồi sau đó lại đọc được lời phê bình rằng bản dịch này không đúng với bản gốc. Đến khi đọc thì mình cảm thấy quả thật rất “sướng” vì bản dịch rất trôi chảy, mượt mà, cho cảm giác đúng chất “anh chị”, đường phố. Nhưng nói về mặt không tôn trọng nguyên tác thì cũng không sai, vì người dịch cứ tha hồ “phang” các loại tiếng lóng, xưng hô, dấu câu thì đủ loại phong phú. Cảm giác giống như nghe một người say kể chuyện vậy, mới nghe thì hay nhưng về lâu dài lại mau chán và thấy phiền phức. Có vài đoạn mình đọc khá lâu, để ý lại thì là do có những câu không đúng cấu trúc ngữ pháp cho lắm, không được mạch lạc nên mình cứ phải đọc đi đọc lại hoài mới rõ. Cũng may là những điểm như trên so với toàn thể sách cũng không nhiều cho lắm, và đoạn cuối dịch với giọng điệu nghiêm túc hẳn nên đọc rất thích, nếu chỉnh sửa lại một số chỗ cho đúng và tiết chế lại thì bản dịch này xứng đáng được khen là “thần sầu”

Tóm lại thì đây là một cuốn sách đặc sắc, hấp dẫn, mang tầm một tác phẩm lớn, nhưng tiếc là còn mang tính giải trí, chiều lòng độc giả nên theo mình chưa đứng cùng các tác phẩm kinh điển được.”

3 - review bo gia-min
Ảnh: Ohay.tv

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Bố Già.

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Trà My

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB