Review sách Lối sống tối giản của người Nhật

Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật (Sasaki Fumio)

Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, đó chính là chủ đề của cuốn sách này.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai.

Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” có tựa đề tiếng Anh: Goodbye, Things là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Nhật Bản khi được xuất bản. Lối sống tối giản đang được rất nhiều người trẻ Nhật áp dụng và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của họ. Bên cạnh việc chỉ ra tác dụng của việc sống tối giản, Sasaki cũng chia sẻ kinh nghiệm tối giản cá nhân của mình, đưa ra các mẹo cụ thể về cách tối giản cuộc sống.

Lối sống tối giản của người Nhật gồm có năm chương, trong đó, chương một, tác giả sẽ giới thiệu cho bạn lối sống tối giản là gì, đưa ra định nghĩa của anh về nó. Sau đó anh sẽ đưa ra lý do vì sao mình lại theo lối sống này sau nhiều năm sống trong căn phòng của bản thân.

Chương hai tác giả sẽ đề cập đến tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người này mang ý nghĩa gì?

Chương ba là những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà. Tác giả sẽ đưa ra cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Thêm vào đó cũng sẽ giới thiệu cho bạn danh sách bổ sung 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.

Chương bốn, những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Kèm theo đó, anh còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

Cuối cùng chương năm, tiếp nối ý từ chương bốn, tác giả sẽ giải thích tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”.

Để hiểu sâu hơn về lối sống tối giản, bạn nên đọc hết từ chương một đến chương bốn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đọc riêng từng chương. Thậm chí chỉ cần đọc chương ba cũng có thể giúp bạn cắt giảm được đồ đạc của mình.

Trong cuốn sách này, “lối sống tối giản” được hiểu là: giới hạn tối thiểu cần thiết cho bản thân và  vứt bỏ tất cả mọi thứ trừ những thứ quan trọng.

Và những người sống theo lối sống đó gọi là người sống tối giản.

264- Lối sống tối giản của người Nhật.-min
Ảnh: revelogue.com

Thông tin tác giả Sasaki Fumio 

Tác giả sinh năm 1979 tại tỉnh Kagawa, hiện đang sống tại Tokyo, Nhật Bản. Fumio Sasaki là một biên tập viên của một nhà xuất bản, anh không phải là một chuyên gia về lối sống tối giản, chỉ là một người thường xuyên bị căng thẳng và liên tục so sánh mình với người khác khi sống trong căn hộ bừa bộn và chất đầy đồ đạc của mình. cho đến một ngày vào năm 2010, anh quyết định thay đổi cuộc sống của mình bằng cách nói lời tạm biệt với mọi thứ mà không hoàn toàn cần đến.  

Một số sách cùng tác giả 

Nghệ thuật bài trí của người Nhật

– Đến Nhật Bản học về cuộc đời

Hello, Habits – Một Chỉ Dẫn Sống Tốt Hơn

Tổng hợp review sách Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật 

Review từ bạn Bach Tran Quang – Goodreads, 03/2017

Mấy hôm khủng hoảng, đau đầu, không trách trời trách đất, chỉ tự xem lại mình, nhắn nhủ bản thân những điều đã quên trong suốt thời gian đầu tắt mặt tối đã qua và đọc sách.

Cuốn này rất thú vị. Thực ra bản thân đã áp dụng trong gia đình từ lâu rồi, điển hình cho sự thay đổi này là mẹ. Những gì cũ nát, lâu không dùng đến, những bộ quần áo không mặc, đồ bài trí không cần thiết đều đã được giải tán, ủng hộ hết. Nhà cửa không ngồn ngộn đồ, nhìn như triển lãm nữa, khách khứa chỉ ngắm một lần nhưng không gian sống thì tù túng và mọi thành viên đều va với nó hàng ngày nên sự thay đổi này thật ý nghĩa.

Tối giản không có nghĩa là vứt đi hết, là mù quáng chạy theo tuyên ngôn nào đó. Chừng nào hiểu được thứ gì cần, không cần, biết đủ trong mức đủ. Âu là hiểu ra vấn đề.

Buông bỏ, mới là thanh thản.”

Review từ bạn Joey Nguyen – Goodreads, 02/2021 

Trích 1 đoạn từ bài do Trí thức trẻ dịch từ Lifehack về khủng hoảng tuổi 25. Có 5 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Cảm giác cuộc sống không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, mọi thứ đang tự động diễn ra mà bạn không đủ khả năng để điều khiển. Người trẻ có thể cảm thấy bế tắc và không hiểu tại sao mình lại ở đây, lúc này.

– Giai đoạn 2: Luôn muốn “đi trốn” đến một nơi thật khác, tìm cách thay đổi cuộc sống hiện tại.

– Giai đoạn 3: Bắt đầu khám phá thế giới, bản thân và “tìm thấy chính mình”. Người trẻ có thể đột nhiên quyết định thay đổi hoặc từ bỏ sự ổn định hiện có để bắt đầu một hành trình mới. Bước ngoặt này sẽ giúp họ hiểu về những vấn đề của bản thân rõ hơn.

– Giai đoạn 4: Sắp xếp lại cuộc sống theo cách bạn muốn, thiết lập lại nó theo một cách hoàn toàn mới.

– Giai đoạn 5: Phát triển theo cách cơ bản nhất để hiểu và thể hiện giá trị bản thân, sự lựa chọn của họ. Thiết lập những cam kết mới cho mục tiêu họ thực sự muốn.

Có lẽ bạn cũng như mình, chưa đến 25 nhưng đã cảm thấy bị khủng hoảng trầm trọng. Khi mà một số người mắc chứng khủng hoảng 23 (sau tốt nghiệp đại học) bị khủng hoảng vì những đổi thay của thế giới, sự thật chẳng màu hồng như trên ghế nhà trường… thì khủng hoảng tuổi 23 xoay quanh chuyện thích ứng hơn. Cách vượt qua cái khủng hoảng này của mình là chấp nhận.

Còn tuổi 25, khủng hoảng này có vẻ trầm trọng hơn vì câu trả lời dường như quá mơ hồ. Ngay cả cái giả thiết “chấp nhận” mọi thứ kia cũng trở nên không thuyết phục nữa mà bạn cứ loay hoay tìm lẽ sống của mình ấy. Hmm… Mình cũng đã có gần 1 năm đắm chìm trong câu hỏi dở hơi nhưng phiền phức này.

Dạo gần đây, mình cảm thấy là mình bắt đầu tẽn tò thò được một ngón chân qua giai đoạn 3. Giai đoạn “đập đi xây lại” cả con người mình. Vấn đề cốt yếu có lẽ là sự lựa chọn. Khi bạn chọn cách sống A rồi tập trung (“Focus”) vào nó, ngừng xoay vòng vòng hay dòm ngó lối sống B, C, D thì mình thấy bắt đầu hạnh phúc hơn. Bởi vì giống như leo núi vậy, nếu leo được 1 dặm ngọn núi A mà nhìn sang ngọn núi B thấy có vẻ cao hơn xong lại từ bỏ để tót qua B. Rồi thể nào cũng sang C, D… Mình chẳng thể nào biết ruốc cuộc A cao đến đâu.

Nói lung tung beng thì là cuốn sách này nói đến 1 lối sống đặc biệt, được sáng tạo bởi người Nhật. (Chắc mấy nay ai chăm đọc báo thì đã biết cách sống này hay ho thế nào rồi). Nhưng để hiểu và bắt đầu làm từ đâu lại là vấn đề lớn. Hầu hết các bài trên mạng và hội thảo mình đi thì chủ yếu xoay quanh câu hỏi WHY và WHAT. Thế nhưng câu hỏi HOW thì cứ bỏ lửng. Nếu không hành động tí nào thì có thuộc lòng WHY cũng sẽ sớm quên và bỏ dở.

Lối viết tập trung vào cảm nhận và trải nghiệm của bản thân tác giả. Thêm vào 1 chút “tips” và lối hài hước logic của người Nhật. (Aww, mình thích cái kiểu này quá). Bìa sách đẹp. 288 trang – mình yêu tất cả các thể loại sách trên 200 trang và dưới 300 trang!

Có kết hợp bài bản giữa nghiên cứu khoa học, tâm lý học với suy nghĩ và câu chuyện cá nhân (chậc, đúng kiểu hero story luôn).

Tác giả hẳn là người thích đọc sách nên đã tổng hợp nhiều trích dẫn của các cuốn sách tương tự. Tác giả là 1 fan Apple, fan Steve Jobs – Ồ, có lẽ đứa nào thích sự giản đơn hay sống tối giản đều sẽ là fan Steve cả.

Nhược điểm và vì cuốn sách “cá nhân” quá nên dù ý tưởng không bao nhiêu nhưng được quần đi quần lại khá nhiều. (Chắc là để cho thấm). Tác giả sống tối giản nhưng câu chữ có vẻ lê thê. Nhưng không sao, mình vẫn thích do hành văn hay là được. 

Sách thích hợp cho già trẻ, gái trai, trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú… những ai tò mò và muốn thay đổi một chút sự thường tình.”

Review từ bạn Mía – Goodreads, 01/2018 

Nhiều điều trong sách có thể không mới với cá nhân mình và nhiều người nhưng mình vẫn đánh giá đây là cuốn sách có ích. Sách được viết đơn giản, dễ hiểu, không chỉ hữu ích với những người ưa dọn dẹp mà còn đưa ra một quan điểm sống mà mình rất thích: sống theo cách mà ta muốn, không bị ảnh hưởng bởi số đông.

Lưu ý rằng tác giả ủng hộ sự tối giản nhưng không bài xích những người khác với mình – đây là điểm mình rất ưng vì người ta dễ sa vào phủ định sạch trơn những gì trái ngược với bản thân họ. Anh ấy trình bày về cách sống của mình, những điều tích cực mà nó mang lại nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng không phải sự tối giản mà là sự thoải mái và hạnh phúc thực sự của một con người với lối sống mà họ chọn lựa.

Có một điều mình không thích là cách dịch tên sách dễ gây hiểu nhầm. Tên sách gốc là “chúng ta không cần đến đồ đạc nữa!” – vốn là một cuốn sách nêu quan điểm cá nhân nhưng lại bị chuyển ngữ thành sách nói về lối sống của một xã hội (nó có thể thành một trào lưu, nhưng không phải của riêng người Nhật và cũng không quá phổ biến ở Nhật). Tuy nhiên kiểu chuyển ngữ này đã thành một “nếp văn hoá” của ngành xuất bản rồi thì phải.

Nói chung sách hay, phù hợp với những ai đang phải sống với áp lực của một xã hội tiêu thụ.”

Review từ bạn Trừng Duyên – Goodreads, 01/2018

“ Ơ hay lắm, không thất vọng xíu nào luôn. Trước đây cứ mỗi lần chuyển phòng là phải 20 chuyến xe máy dù cách nhau có 1-2 cây số. Thế mới thấy nhục.

Nhiều lần có ý định chuyển nhà mà do đống đồ nên ngại cực. Thôi, khi nào đi học kiểu gì cũng bán sạch để sống cho thoải mái. Hồi nhỏ cũng thần tượng lắm kiểu sống cả tuần mặc mỗi 1 cái áo của anh Mark hay trong Noblesse, mà thật ra mình cũng xài rất ít quần áo, thế mà chẳng hiểu sao áo quần cứ chất đống lên trong phòng, khiến cái phòng 15m2 không có mấy khoảng trống cho người ở, khiến nhiêu lúc bí bách kinh khủng…

“Có một cách để bạn thấy bất hạnh chỉ trong giây lát. Đó là so sánh mình với người khác.”

“Còn giờ đây, khi đã vứt hết giá sách đi rồi, tôi lại có thể tập trung vào một quyển duy nhất mà tôi muốn đọc. Kết quả là số sách tôi đọc còn nhiều hơn cả trước đây.”

“Tôi đã gặp nhiều người sống tối giản và không có ai trong số họ là người béo cả.”

Review từ bạn Lien – Goodreads, 04/2017

“ Đối với một người lưu luyến kỉ niệm, thích tích đồ như mình thì ban đầu đọc không thích cái tư tưởng vứt đồ cho lắm. Nhưng đọc dần thì ngấm dần, thông não dần:))

Đọc xong rút ra là sống đơn giản cho đời thanh thản, giải phóng khỏi đồ đạc, dành thời gian và tiền bạc cho việc trải nghiệm, trải nghiệm mới là thứ mang lại hạnh phúc dài lâu. Thông qua việc vứt bỏ đồ đạc, cũng tập dần lối sống buông bỏ những thứ không cần thiết, tập trung vào những thứ thiết yếu, cuộc sống nhẹ nhàng sẽ mang lại hạnh phúc

Review từ bạn Phạm Ngọc Hà – Goodreads, 08/2017

“ 1. Cuốn sách cũng đã tạo được cảm hứng về một sự thay đổi.

Thực ra, đây là một cuốn sách về vứt đồ (tên tiếng Anh: Things: Goodbye!). Chỉ bằng việc vứt đồ, con người có thể sống vui vẻ hơn, tiết kiệm hơn, thật thà hơn, khoẻ hơn. Không còn cuộc chạy đua mệt mỏi tìm kiếm tiền tài và các giá trị vật chất, một cuộc đua mất cả đời người chẳng xong.

Có những thứ tưởng như không thể thay đổi, như là vận mệnh cố hữu gắn chặt với đời mình vậy, nhưng chỉ nhờ biết cách bỏ bớt đồ đạc, người ta cũng có thể thay đổi được luôn. Ví dụ như tính lười. Ít đồ, mỗi khi dọn dẹp đỡ vất vả hơn, đỡ ngán mỗi khi tới lúc phải dọn, cảm hứng sống tăng lên trong chính ngôi nhà thân thuộc, thế là tự dưng hết lười, có khi lại còn mê dọn nhà nữa ấy chứ.

2. Mình nghĩ những người đọc cuốn này “vào” nhất, sẽ là những người từng ham tha lôi đồ đạc về nhà, ham mua sắm tích trữ, mua mới hay lưu giữ đồ đạc vì cảm xúc tinh thần, kiểu món đồ này sẽ tăng thêm niềm vui cho mình, hay giữ lại món đồ này chính là trân trọng kỉ niệm… Đó chính là những miêu tả về mình, cũng là miêu tả về tác giả của thời gian trước đây, hay bất kỳ ai khác, những người từng mắc kẹt trong đồ đạc, không ham vật chất nhưng tình cờ bị cuốn theo vật chất vì niềm tin ngây thơ đồ đạc chứa/ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc con người.

Những người như thế tìm thấy ở đây một hy vọng thoát ra khỏi đống đồ đang ngày một chất đầy xung quanh, cũng như thoát khỏi các khía cạnh tính cách hơi bê bối của mình. 🙂

3. Tuy nhiên rất nhiều ý trong cuốn sách mình đã gặp ở cuốn của KonMari. Mà khổ cái, mình thấy sách của KonMari hay hơn, nội dung phong phú, thiết thực và ít khuyên bảo hơn nhiều. Chắc do mình đọc nó trước.

4. Cuốn này, không biết có phải do mình nôn nóng đọc cho nhanh xong không, mà càng về cuối càng dài dòng và nhàm chán. Mình đồ rằng với kiểu đọc của mình, đoạn cuối sách nếu vẫn giữ lối trình bày, lập luận và những tinh thần như đã quen biết trong đoạn đầu sách thì sẽ gây chán nản, tụt cảm xúc.

5. Chính vì hơi nhàm như thế nên xét tới cùng mình vẫn cho đây là một cuốn self-help không hơn không kém. Những lời khuyên được đánh số rõ ràng. Cách lập luận bằng lý lẽ và dẫn chứng, đúng chuẩn văn nghị luận nhà trường. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng hình như còn thiếu một cái gì đó để thuyết phục. Và với dạng sách đưa ra lời khuyên như thế này, khi đọc luôn cần cảnh giác, tin hết vào sách, nghe theo một chiều, xong lúc nào cũng ngợi ca tối giản này nọ, đem cuốn sách đi đối chiếu một cách sống sượng với người xung quanh rồi vô tình tạo ra xa cách, phán xét. Như vậy chẳng nên tí nào, chẳng ai muốn gần một người đọc như vậy.

Nói chung không hiểu sao khi đọc cuốn này mình lại nghĩ về sự đọc, như vậy đó.”

Review từ bạn Ngọc Hân – Tiki, 02/2022

Sách nói về những lợi ích khi sống tối giản và cho mình những lời khuyên cũng như những tips để vứt bỏ các đồ vật không quá quan trọng. vứt đồ đạc cũng như vứt bỏ những suy nghĩ rối ren trong đầu của chính mình vậy”

Review từ bạn Thanh Truc Luu – Tiki, 02/2022

“ Văn phong giản dị và logic. Tác giả cũng giải thích kỹ càng về cách sống tối giản nên rất dễ hiểu” 

Review từ bạn La Lune – Tiki, 04/2022

Quyển này kinh điển rồi, giúp thay đổi cuộc sống của mình hoàn toàn sau khi đọc”

Review từ bạn Ninhthutrang – Shopee, 03/2022

“ Thực ra là mình đã đọc review cuốn này nên đã quyết định mua. Và quyết định thật đúng đắn. Cuốn sách này hay lắm nhé. Dạy ta cách tối giản, cách buông bỏ một số thứ cần được dọn dẹp. Cuốn này còn giúp mình thay đổi tư duy, suy ngẫm thêm về nhiều thứ.” 

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Lối sống tối giản của người Nhật .

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Nhật Hạ

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB