Review sách Gieo trồng hạnh phúc

Gieo trồng hạnh phúc của thầy Thích Nhất Hạnh

Chánh Niệm là nguồn năng lượng tỉnh thức đưa ta trở về với giây phút hiện tại và giúp ta tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong mỗi phút giây của đời sống hằng ngày. Chúng ta không cần phải đi đâu xa để thực tập chánh niệm. Chúng ta có thể thực tập chánh niệm ngay trong phòng mình hoặc trên đường đi từ nơi này đến nơi khác. Ta vẫn có thể tiếp tục làm những công việc ta thường làm hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, giao tiếp, chuyện trò… nhưng với ý thức là mình đang làm những công việc ấy.

Hãy tưởng tượng ta đang ngắm mặt trời mọc với một số người. Trong khi những người khác đang thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy thì ta lại “bận rộn” với những thứ trong đầu mình. Ta bận rộn và lo lắng cho những kế hoạch của ta. Ta nghĩ về quá khứ hoặc tương lai mà không thực sự có mặt để trân quý cơ hội đó. Thay vì thưởng thức cảnh đẹp của buổi bình minh, ta lại để cho những khoảnh khắc quý giá ấy trôi qua oan uổng.

Nếu quả thực như vậy, ta có thể sử dụng một phương pháp khác. Mỗi khi tâm ta đi lang thang thì ta kéo tâm về và tập trung tâm ý vào hơi thở vào – ra. Thực tập hơi thở ý thức giúp ta trở về với giây phút hiện tại. Thân tâm hợp nhất, ta sẽ có mặt trọn vẹn để ngắm nhìn, quán chiếu và thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy. Bằng cách trở về với hơi thở, ta lấy lại được sự mầu nhiệm của buổi bình minh.

Chúng ta thường quá bận rộn đến nỗi quên mình đang làm gì, hoặc có khi ta quên mình là ai. Thậm chí có người quên mất là mình đang thở. Ta quên nhìn những người thương của ta và trân quý sự có mặt của họ, cho đến một ngày họ đi xa hay qua đời ta mới thấy hối tiếc. Có khi rảnh rỗi đi nữa, ta cũng không biết cách tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong ta. Vì vậy ta mở tivi lên xem hoặc nhấc điện thoại gọi cho ai đó. Ta nghĩ làm như thế là ta có thể trốn thoát được chính mình.

Ý thức về hơi thở là tinh yếu của chánh niệm. Theo lời Bụt dạy, chánh niệm là nguồn suối phát sinh hỷ lạc. Hạt giống chánh niệm có trong mỗi chúng ta nhưng thường thì ta quên tưới tẩm hạt giống đó. Nếu biết cách nương vào hơi thở, nương vào bước chân của mình, chúng ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống an lành ấy và cho phép chúng biểu hiện. Thay vì nương vào những ý niệm trừu tượng về Bụt, về Chúa hoặc về Allah, chúng ta có thể tiếp xúc được với Bụt, với Chúa trong từng hơi thở và bước chân của mình.

Điều này nghe có vẻ dễ dàng và ai cũng có thể làm được, tuy nhiên đòi hỏi ở chúng ta một sự tập luyện. Quan trọng là tập dừng lại. Dừng lại như thế nào? Dừng lại bằng hơi thở vào ra và bước chân của mình. Vì vậy pháp môn căn bản của chúng ta là hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm. Nếu nắm vững những pháp môn này, chúng ta có thể ăn, uống, nấu nướng, làm việc, lái xe… trong chánh niệm. Và chúng ta luôn luôn an trú trong giây phút hiện tại, bây giờ ở đây.

Thực tập chánh niệm (smrti) đưa đến định (samadhi) và định đưa đến tuệ (prajna). Tuệ giác mà ta đạt được từ sự thực tập chánh niệm có khả năng giải phóng chúng ta ra khỏi những tình trạng sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng và đem lại hạnh phúc đích thực cho ta. Chúng ta có thể sử dụng những đối tượng đơn giản như bông hoa để thực tập chánh niệm. Khi cầm bông hoa trong tay, chúng ta ý thức về bông hoa. Hơi thở vào ra giúp ta duy trì ý thức. Thay vì để cho những suy nghĩ trấn ngự hoặc lôi kéo, ta trở về có mặt cho bông hoa và thưởng thức vẻ đẹp của bông hoa. Định lực sẽ trở thành nguồn suối phát sinh niềm vui trong ta.

Để thưởng thức trọn vẹn những món quà mà cuộc sống ban tặng, chúng ta phải thực tập chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi dù đang đánh răng, chuẩn bị thức ăn sáng hay lái xe đi làm. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở có thể là một cơ hội đem đến cho ta niềm vui và hạnh phúc. Cuộc sống đầy rẫy khổ đau. Nếu không đủ hạnh phúc, ta sẽ không chăm sóc được nỗi khổ đau và tuyệt vọng của mình. Chúng ta hãy thực tập với tinh thần nhẹ nhàng thư thái, với tâm hồn rộng mở bao la và với một trái tim sẵn sàng lắng nghe, chấp nhận. Thực tập là để nuôi lớn hiểu biết chứ không phải để phô trương hình thức. Có chánh niệm, ta có thể nuôi lớn được niềm vui trong ta, giúp ta xử lý tốt hơn những khó khăn thách thức trong cuộc sống và biết cách chế tác tự do, an lạc, thương yêu trong mỗi chúng ta.

gieo trồng hạnh phúc-min
Ảnh: sách Tràng An

Thông tin tác giả Thích Nhất Hạnh

Thích Nhất Hạnh (tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, thầy sinh vào ngày 11/10/1926, mất ngày 22/1/2022). Thích Nhất Hạnh không chỉ là một vị thiền sư mà còn là giảng viên, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu. Thêm vào đó, Thầy còn là một nhà hoạt động xã hội, và vận động cho hòa bình.

Thích Nhất Hạnh sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, theo con đường tu đạo vào năm 16 tuổi, trở thành nhà sư vào năm 1949. Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai tại phương Tây, chỉ sau Đức Đạt lai Lạt ma.

Thích Nhất Hạnh đã viết và xuất bản hơn 100 cuốn sách, trong số đó có hơn 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh. Thích Nhất Hạnh là người vận động cho phong trào hòa bình, không dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn.

Các tác phẩm cùng tác giả: Đường xưa mây trắng, Muốn an được an, An lạc từng bước chân, Trái tim của Bụt, Giận, ….

Tổng hợp một số review sách Gieo trồng hạnh phúc

Review từ bạn Nhân Trần – Facebook, 2020

“Mình thích những quyển sách gì đó thể hiện được sự sắc sảo của người viết, những quyển sách viết về bí ẩn trong sâu thẳm con người hay những quyển sách tình cảm thắm thiết, những quyển sách dạy con người ứng xử hiệu quả với những biến động xảy ra trong cuộc mỗi ngày… Chính vì vậy chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ cầm lên tay để đọc những cuốn sách do một thiền sư viết.

Trong đầu mình luôn mặc định : với thiền sư thì cái gì cũng chầm chậm, tư tưởng chủ đạo của họ là lánh xa cuộc đời để tìm về với thế giới bên trong. Còn mình thì thích ở trong cuộc đời, thích lắng nghe và bước theo nhịp cuộc đời, mình không thể chầm chậm được. Rồi một dịp tình cờ mình biết được rất nhiều trường học ở các nước tiến bộ hơn nước mình về giáo dục áp dụng các triết lý của thầy Thích Nhất Hạnh và đạt được những kết quả tích cực. Trong lúc đang thấy khó khăn với chuyện dạy học nên mình muốn thử đi tìm hiểu một cách khác, tìm hiểu xem điều gì đã khiến người ta chọn Sách của thầy Nhất Hạnh để vận dụng trong giáo dục. Vậy là mình mua về nhà những cuốn sách của thầy.”

Review từ bạn Nguyễn Thị Thu trang – Tiki, 2022

“Có một số lý do để mua, vì hậu covid nên bản thân muốn cải thiện tốt hơn về cách tập thở. Nên cũng mua để hiểu rõ hơn. Sách của thầy thì sẽ khá khó đọc trong nhiều chương. Vì bản thân cũng chưa nghiên cứu sâu về thiền và các thứ khác. Nhưng thấy cần thì mua đọc. 1 lần không hiểu thì những giai đoạn khác có thể đọc lại.”

Review từ bạn Mai Đức – Goodreads, 2017

“Một quyển sách hay của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Trong mọi hoạt động của đời sống trong từng giây phút cần phải sống trong chánh niệm, cần phải đưa thân và tâm hợp nhất,phải thực sự hiện hữu trong giây phút này và ở đây. Phải nhìn mọi người với một lòng từ bi và coi cuộc sống là món quà ý nghĩa nhất. Mọi thứ vạn vật trên đời đều có mối liên hệ với nhau, phải thực sự yêu bản thân mình mới có thể yêu được người khác. Trên thế gian này không ai yêu mình hơn chính bản thân mình đâu. Quyển sách là một món quà quý giá giúp cho mỗi người dù theo đạo phật hay không đều được sống an lạc tươi vui.”

Review từ bạn Rosy Ngô -Tiki, 2021

“Nếu bạn đang cần một chút an lạc, thanh tịnh giữa dòng đời vội vã thì đây đích thị là cuốn sách bạn cần để làm dịu tâm hồn mình.

Cuốn sách mỏng nhưng những tác động của nó lên cuộc sống của mình nhiều hơn những gì mình nghĩ. Đây là điều mà phải 4 năm sau khi đọc xong cuốn sách mình mới có thể cảm nhận được. Việc cố gắng chú tâm vào từng việc mình đang làm (chánh niệm) giúp mình gạt bỏ được những lo âu và tìm được niềm vui trong những việc làm bình dị thường nhật.

Gói gọn lại triết lý trong cuốn sách chỉ có hai từ Chánh Niệm. Nhưng để thực sự hiểu thì cần có sự luyện tập cả đời. Đôi dòng nhận xét trên cõi mạng không thể diễn tả lòng biết ơn của mình đối với vị thiền sư. Mong rằng Gieo Trồng Hạnh Phúc được nhiều người đọc hơn nữa để triết lý về Chánh Niệm được rèn giũa và luyện tập thêm nhiều hơn.

Khi mình viết những dòng này thì thầy cũng được gần trăm tuổi. Kính mong thầy mọi sự an yên và sức khỏe để an hưởng cuộc đời.”

Review từ bạn Xuân Diệu – Goodreads, 2019

“Nhiều người cho rằng nhắc đến thiền là nhắc đến Phật giáo, nhắc đến việc tu hành, mà nhắc đến tu hành thì là những điều không thích hợp trong cuộc đời nhiều bận rộn và nhiều thứ để hưởng thụ này. Như vậy là còn điều chưa biết, những đấng giác ngộ tu tập xuất thế gian để tìm những an lạc vĩnh hằng, mình là người phàm phu thì có phép tu tập nhập thế gian, tức là việc tu tập phục vụ cho đời sống hiện tại bình yên.

Thiền – Trong đạo gọi là Chánh niệm – Đơn giản và khoa học hơn là Tập trung tối đa. Làm bất cứ điều gì cũng chú tâm hoàn toàn cho điều đó. Khi bạn ăn, bạn tập trung ăn. Khi uống, bạn tập trung uống, cảm nhận độ mát của thức uống. Khi nấu ăn thì tập trung hoàn toàn cho nấu nướng. Khi làm việc thì tập trung hoàn toàn cho công việc đang làm. Ví dụ khi gõ những dòng này, mình cũng đang thực hành như thế.”

Review từ bạn Vy Truong – Goodreads, 2021

“Được nghe pháp thoại và được đọc sách của thầy là một trong những điều may mắn nhất cuộc đời mình. Quyển sách này là những hướng dẫn rất cơ bản và dễ hiểu nhưng không kém phần quan trọng để hướng dẫn người đọc đi vào chánh niệm và an trú trong hiện tại, để tìm thấy hạnh phúc trong mỗi phút giây của cuộc sống thường ngày. Sách như một lời nhắc nhở rằng hạnh phúc mà ta vẫn đi tìm đó, nó ở đây, ngay lúc này, đã đến lúc chúng ta tỉnh thức và dùng tâm mình nhìn ra hạnh phúc và sống trọn vẹn từng phút giây.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Gieo trồng hạnh phúc.

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Thu Thủy

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB