Review sách Chiến binh cầu vồng

Chiến binh cầu vồng (Andrea Hirata)

Trong ngày khai giảng, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun, trường Muhammadiyah may mắn thoát khỏi nguy cơ đóng cửa. Nhưng ước mơ dạy và học trong ngôi trường Hồi giáo ấy liệu sẽ đi về đâu, khi ngôi trường xập xệ dường như sẵn sàng sụp xuống bất cứ lúc nào, khi lời đe dọa đóng cửa từ viên thanh tra giáo dục luôn lơ lửng trên đầu, khi những cỗ máy xúc hung dữ đang chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc…? Và liệu niềm đam mê học tập của những Chiến binh Cầu vồng đó có đủ sức chinh phục quãng đường ngày ngày đạp xe bốn mươi cây số, rồi đầm cá sấu lúc nhúc bọn ăn thịt người, chưa kể sự mê hoặc từ những chuyến phiêu lưu chết người theo tiếng gọi của ngài pháp sư bí ẩn trên đảo Hải Tặc, cùng sức cám dỗ khôn cưỡng từ những đồng tiền còn kiếm được nhờ công việc cu li toàn thời gian …?

Chiến binh Cầu vồng có cả tình yêu trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.

Tác phẩm đã bán được trên năm triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng, là một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

1 - chien binh cau vong-min
Ảnh: Tusachtinhhoa.vn

Thông tin về tác giả Andrea Hirata

Hirata sinh ra ở Gantung, Belitung. Khi anh còn nhỏ, cha mẹ anh đã đổi tên anh bảy lần. Cuối cùng họ đặt tên là Andrea, trong khi tên Hirata do mẹ anh đặt. Ông lớn lên trong một gia đình nghèo không xa khu mỏ thuộc sở hữu của chính phủ. 

Hirata bắt đầu học đại học với bằng kinh tế tại Đại học Indonesia. Sau khi nhận được học bổng từ Liên minh châu Âu, ông đã theo học thạc sĩ ở châu Âu, đầu tiên là tại Đại học Paris, sau đó tại Đại học Sheffield Hallam ở Anh; luận án của ông đề cập đến viễn thông và kinh tế. 

Hirata phát hành Laskar Pelangi vào năm 2005. Cuốn tiểu thuyết được viết trong khoảng thời gian 6 tháng và dựa trên những trải nghiệm thời thơ ấu của ông ở Belitung; sau đó ông mô tả nó là “một điều trớ trêu về việc trẻ em không được tiếp cận giáo dục tại một trong những hòn đảo giàu có nhất thế giới. “. Cuốn tiểu thuyết tiếp tục bán được năm triệu bản, với các ấn bản lậu bán được thêm 15 triệu. Nó cũng sinh ra ba phần tiếp theo: Sang Pemimpi (The Dreamer), Edensor và Maryamah Karpov. 

Laskar Pelangi được đạo diễn Riri Riza và Mira Lesmana chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 2008; bộ phim trở thành phim Indonesia được xem nhiều nhất mọi thời đại, được 5 triệu khán giả xem trong suốt thời gian chiếu rạp. Ông cũng làm việc tại công ty viễn thông Telkom Indonesia, cuối cùng nghỉ việc để tập trung vào việc viết lách. Năm 2010, bản quyền quốc tế đối với tứ tấu Laskar Pelangi đã được mua bởi công ty Amer & Asia của Mỹ; quyền sau đó được Kathleen Anderson Literary Management mua lại. Sau đó, Hirata mở một thư viện ở quê nhà. 

Đến năm 2010, anh ấy đã dành những ngày cuối tuần ở Belitung và các ngày trong tuần ở Java. Sau đó, ông đã xuất bản truyện ngắn bằng tiếng Anh đầu tiên của mình, “Mùa khô”, trên tạp chí Washington Square Review. Cùng năm đó, anh đã dành ba tháng để tham dự một hội thảo dành cho nhà văn tại Đại học Iowa. (Theo Wikipedia.org)

2 - Andrea hirata-min
Ảnh: Facebook.com

Tổng hợp review sách Chiến binh cầu vồng

Review từ bạn Thao – Goodreads, 6/2018

“Quyển sách làm mình nhớ đến thời nhỏ, hồi học ngôi trường cấp 1,2 trời mưa thì nước đổ trên đầu xối xả, mưa to thì cầu ngập, giáo viên không xuống được trường, cả bọn kéo nhau đi xem lũ. Nhưng mà so với những chuyện trong truyện thì những cái kể trên chả thấm thía vào đầu. Ít nhất cơ hội đến trường vẫn còn mở rộng, còn ngôi trường trong truyện nếu chỉ thiếu 1 học sinh để đạt được số lượng 10 học sinh trong lớp sẽ phải đóng cửa cả trường, giây phút một đứa trẻ giữa trưa bước qua cổng trường với cơ thể của một người lớn nhưng tâm hồn của một đứa trẻ lại là hạnh phúc và hi vọng đầu tiên của 2 thầy cô trường tiểu học, của cả các bậc phụ huynh nghèo khổ và 9 đứa trẻ với ước mơ được đến trường.

Sách dựa trên những sự kiện có thật từ tuổi ấu thơ của tác giả, với giọng văn chân thực, cách kể chuyện không mỹ miều nhưng đã đọc bạn sẽ hình dung ra cụ thể những gì tác giả muốn nhắn gửi, xuyên suốt câu chuyện là cái nghèo ám ảnh ở vùng đất giàu nhất Indonesia, có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật vì cái giàu chỉ có ở khu vực Điền Trang (cho những người quyền chức khai thác thiếc, công nhân trong điền trang..).

Bạn sẽ khóc khi đọc truyện khi hình dung ra cảnh một đứa trẻ nhà có 14 người, hơn cả nghèo vượt qua hơn 40 cây số với những nơi toàn cá sấu với chiếc xe đạp hư đến trường hằng ngày, không bỏ bữa học nào. Đứa trẻ thần đồng với lòng quyết tâm kiên trì. Bạn sẽ khóc khi chứng kiến cảnh một người công nhân nhưng nhìn một sự kiện và nói về thuyết tương đối.

Quyển sách có những chương vui thật vui, khi đọc bạn sẽ hạnh phúc với niềm vui chung của đội chiến binh cầu vồng nhưng cũng có những chương bạn sẽ khóc vì chính những hiện thực phũ phàng. Nhưng trên hết quyển truyện là những hi vọng, là lẽ sống muốn vượt lên hoàn cảnh, sống tốt hơn, ước mơ và làm được ước mơ. 11 người với những ước mơ riêng, nhóm chiến binh cồng vồng vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để được đến trường, đi qua tuổi ấu thơ, mỗi người lại đi theo một con đường khác nhau nhưng nhìn lại hành trình như tác giả đã nói trong bài viết:

“Cứ nhìn vào thực tế thì không thế nói trước được tương lai của những thành viên đội chiến binh cầu vồng là như thế nào. Nhưng chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã có cơ hội được học tại ngôi trường nghèo khó cả chúng tôi với những thầy cô phi thường, những người giúp chúng tôi biết giá trị của giáo dục, say mê học tập và tận hưởng niềm vui được cắp sách tới trường”.

“Một cuộc sống làm lụng vất vả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng chúng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó cuộc sống không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy.””

Review từ bạn Jenny Le – Goodreads, 8/2017

“Đây là một cuốn sách hay, rất hay.
Dành cho những ai đang chán học, đang mất động lực, đang cảm thấy cuộc đời thấy bế tắc, hay đơn giản muốn kinh qua một cuộc hành trình đầy nỗ lực, hy vọng, và thực tiễn.
Mình nghĩ cuốn sách này không còn xa lạ với nhiều người, và tất cả những gì mình muốn viết là một chữ: “hay”
1. Về thiết kế: Bìa đẹp, cơ mà cái gáy hơi lỏng lẽo.
2. Về ý nghĩa:
Đã lâu rồi mình mới tìm lại được cảm giác nương theo đến tận cùng những dòng chữ, mình khóc, mình cười ngặt nghẽo, mình tưởng tượng, mình khâm phục, mình đau lòng, mình lạc vào một thực tại khắc nghiệt nhưng đầy màu sắc huyền bí, mình sống với tác giả, mình đau đáu những nỗi lo, mình bay lên cùng với những tưởng tượng, ước mơ và khát vọng.
Khát vọng được đi học, giành giật lại ngôi trường kì lạ nhỏ bé lại mạnh mẽ như thế.
Mỗi đứa trẻ, mỗi “Chiến binh Cầu Vồng” là một gam màu trong một bản tình ca rực rỡ.
Tuổi thơ thật sự của tác giả – người kể chuyện – được ẩn hiện với một cách kể chuyện tuyệt vời, làm người ta liên tưởng, và trong cái hiện thực của đói nghèo, cái “tuổi thơ dữ dội” lại đầy lạc quan, đầy “trẻ thơ”.

Sự vươn lên và nỗ lực không ngừng của cả cô và trò làm thành những sức mạnh không gì sánh bằng. Chính sự tận tâm, sự tử tế và yêu thương nhau khiến họ quên đi cái khổ, cái nghèo. Hay chính cái khổ, cái đói nghèo ấy làm cho khát vọng được đến trường mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong đủ đầy, người ta thường quên đi sự sung sướng của mình và chỉ biết đòi hỏi.

Qua lời kể, mình thương từng nhân vật, mình khóc khi thầy Harfan mất, khi cô Mus phải quằn mình đối chọi với sự tuyệt vọng của đám học trò nhỏ, khi Lingtan mất bố.
Mình thương cho những số phận nghèo khổ nhưng chân thật, tử tế. Nét hồn nhiên và đẹp đẽ của những người dân đảo Belington hiện lên rõ mồn một, và nó khiến mình nhớ về những người dân nghèo khổ thời hiện tại.

Qua cách diễn đạt ấy, mình nhận ra được cả sự khiêm nhường, một cách sống đầy tư duy của chính nhà văn, những người giỏi chân chính, “những người có học thức lòng vòng nói tới nói lui với những thuật ngữ to tát và lý thuyết cao siêu chẳng phải vì sự tiến bộ khoa học, mà là vì muốn khoe mẽ với những người ít nói và ko thể tìm ra lời lẽ để tranh luận”. Tình bạn chân thành là khi cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, và tình yêu thời trẻ tuổi, hay nói khác hơn là những rung động đầu đời chỉ qua một đôi bàn tay đẹp nhưng cũng bỏ ngỏ. Nào có nhiều mối tình đầu là tình cuối được đâu?

Về thực tế phũ phàng và khắc nghiệt, rồi sự vô tâm, sự hào nhoáng của chính quyền, những thần đồng ham học hỏi lại bị cái nghèo bủa vây. Những ước mơ đẹp đẽ bị vỡ tan tành. Bạn có thể bĩu môi phán xét họ không đủ cố gắng, nhưng nếu bạn là họ, bị gánh nặng “đời cơm áo” đè đến thụt vai. Liệu bạn có thể? Và nó không phải là lý thuyết, nó là thực tại mà nếu dễ dàng buông xuôi, nó sẽ trở thành một điều “bình thường” trong cuộc đời này.

Mình đau xót trước cái kết thúc rất “đời”, rất “thực tiễn”. Những ước mơ vỡ tan, những tưởng cuộc chiến dai dẳng vượt qua bao nhiêu khó khăn sẽ được bù đắp xứng đáng, nhưng không, những cái đắng phũ phàng. Phải chăng có rất nhiều những ước mơ trên cuộc đời này đã bị vùi dập trước hiện thực khắc nghiệt.
Con người đang tàn phá thiên nhiên vì đồng tiền, để rồi đâu mới là những giá trị “bác ái”?

Mình thấy rất buồn cười khi thằng nhóc học dốt gần nhất lớp, nhưng lại “quảng giao” và “có tính không biết xấu hổ” cuối cùng lại là đứa thành đạt, có mặt trong “quốc hội”. Một sự châm biếm rất sâu cay.

Mình thất vọng khi bán cầu trái, thần đồng Lintang – người luôn chiến đấu với tử thần hàng ngày – người không bao giờ bỏ cuộc lại trở về với nghèo khó, bán cầu phải – Mahar cũng trầy trật với cuộc đời. Nhân tài rồi sẽ đi về đâu?
Nói tóm lại, cuốn sách truyền cho mình một nguồn cảm hứng kì lạ, nhưng dù nó buồn, nhưng nó lại mang lại cảm giác tích cực. Vì mình biết thực tại hiện giờ cũng đã đổi thay nhiều.
Có rất rất nhiều thứ ngộ ra từ cuốn sách, nhưng khó để diễn đạt ra hết. Chỉ là. Đây là một cuốn sách hay.”

Review từ bạn Chris – Goodreads, 8/2018

“Cuốn sách là 1 câu chuyện cổ tích của tuổi thơ. Những cậu bé, cô bé thực sự là những chiến binh tuyệt vời trong cuộc chiến của mình: cuộc chiến đấu tranh để được đi học. Đọc xong cuốn sách mới thấy những khó khăn mà mình đang đối mặt thực ra chẳng đáng gì. Câu chuyện lôi cuốn hấp dẫn cho tới gần cuối. Có những chi tiết mang tính phi thực tế, và cả quan điểm của tác giả đôi khi không hợp với mình. Nhưng tựu trung lại, “Chiến binh cầu vồng” là 1 cuốn sách thật tuyệt.”

3- review chien binh cau vong-min
Ảnh: Chiasemoi.com

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Chiến binh cầu vồng.

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Trà My

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB