Review sách Bắt trẻ đồng xanh

Bắt trẻ đồng xanh (Jerome David Salinger) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Mỹ J. D. Salinger. Đây là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng. Dùng cách tường thuật ở ngôi thứ nhất, cũng là nhân vật chính của truyện, Holden Caulfield, tác phẩm kể lại câu chuyện của Holden trong những ngày cậu ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi Pencey Prep, một trường dự bị đại học.

Holden Caulfield, 17 tuổi, đã từng bị đuổi học khỏi ba trường, và trường dự bị đại học Pencey Prep là ngôi trường thứ tư. Và rồi cậu lại trượt 4 trên 5 môn học và nhận được thông báo đuổi học. Chuỗi ngày tiếp theo sau đó của Holden, với ánh nhìn cay độc, giễu cợt vào một cuộc đời tẻ nhạt, xấu xa, trụy lạc và vô phương hướng của một thanh niên trẻ. Holden không thích cái gì cả, cậu chỉ muốn đứng trên mép vực của một cánh đồng bao la, để trông chừng lũ trẻ con đang chơi đùa. Holden chán ghét mọi thứ, cậu lan man, lảm nhảm hàng giờ về những thói hư, tật xấu, những trò giả dối tầm thường mà người đời đang diễn cho nhau xem. Cậu thô thiển, tục tĩu và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi. 

Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.

Xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, tác phẩm này đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên. Nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield, đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ.

Trong lần xuất bản đầu tiên, Bắt Trẻ Đồng Xanh chủ yếu dành cho độc giả là người lớn nhưng sau đó cuốn tiểu thuyết đã được đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học của nhiều nước nói tiếng Anh và cũng được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Mỗi năm có trung bình khoảng 250.000 bản sách của tác phẩm được bán ra, tính tổng cộng đến nay là khoảng 65 triệu ấn bản. Tác phẩm này đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến nay.

Bat tre dong xanh-min
Ảnh: Tiki.vn

Thông tin của tác giả Jerome David Salinger

Jerome David Salinger là một tác giả người Mỹ, nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh năm 1951, cũng như cuộc đời ẩn dật của ông. Tác phẩm gốc được xuất bản cuối cùng của ông là vào năm 1965; lần cuối cùng ông trả lời phỏng vấn là năm 1980. Lớn lên ở Manhattan, Salinger bắt đầu viết truyện ngắn khi còn học trung học, và xuất bản một số truyện vào đầu những năm 1940 trước khi phục vụ trong Thế chiến thứ hai. Năm 1948, ông xuất bản câu chuyện được giới phê bình đánh giá cao “Một ngày hoàn hảo cho Bananafish” trên tạp chí The New Yorker , trở thành quê hương của nhiều tác phẩm tiếp theo của ông. Năm 1951, Salinger phát hành cuốn tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh, lập tức trở nên phổ biến. Sự miêu tả của ông về sự lạnh nhạt và mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên ở tuổi vị thành niên trong nhân vật chính Holden Caulfield đã có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là đối với những độc giả tuổi vị thành niên. Cuốn tiểu thuyết tuy gây nhiều tranh cãi nhưng vẫn được đọc nhiều và bán được khoảng 250.000 bản mỗi năm.

Thành công của Bắt trẻ đồng xanh khiến công chúng chú ý và quan tâm đến đời tư của ông hơn. Salinger trở nên ẩn dật, xuất bản tác phẩm mới ít thường xuyên hơn. Ông theo dõi Catcher với một tuyển tập truyện ngắn, Nine Stories (1953), một tuyển tập tiểu thuyết và một truyện ngắn, Franny and Zooey (1961), và một tuyển tập hai tiểu thuyết, Raise High the Roof Beam, Carpenters and Seymour: An Giới thiệu(Năm 1963). Tác phẩm xuất bản cuối cùng của ông, một cuốn tiểu thuyết mang tên “Hapworth 16, 1924”, xuất hiện trên tờ The New Yorker vào ngày 19 tháng 6 năm 1965.

Sau đó, Salinger phải đối mặt với sự chú ý không mong muốn, bao gồm cả một cuộc chiến pháp lý vào những năm 1980 với nhà viết tiểu sử Ian Hamilton, và bản phát hành trong cuối những năm 1990 hồi ký viết bởi hai người thân cận với ông: Joyce Maynard, người yêu cũ; và Margaret Salinger, con gái của ông. Năm 1996, một nhà xuất bản nhỏ đã thông báo thỏa thuận với Salinger để xuất bản “Hapworth 16, 1924” dưới dạng sách, nhưng trong bối cảnh dư luận sôi nổi sau đó, việc phát hành đã bị trì hoãn vô thời hạn. Ông đã gây xôn xao khắp thế giới vào tháng 6 năm 2009, sau khi đệ đơn kiện một nhà văn khác vì vi phạm bản quyền do nhà văn đó sử dụng một trong những nhân vật của Salinger trong Bắt trẻ đồng xanh.

Salinger chết vì nguyên nhân tự nhiên vào ngày 27 tháng một năm 2010, tại nhà riêng ở Cornish, New Hampshire.

Tổng hợp review sách Bắt trẻ đồng xanh

Review từ bạn Tống Đức Khải – Tiki, 2021

“Hút thuốc, chửi tục, phóng khoáng chuyện tình dục và lắm lúc tùy tiện, bất cần là những gì bạn thấy ở Holden Caulfield. Những gì tưởng chừng như lối sống sa đọa về đạo đức ở một người học sinh nhưng ẩn sâu trong đó là tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc. Cái nhạy cảm ấy giết con người cậu vì khi nhìn vào bất cứ đâu, Holden thấy con người luôn giả tạo. Họ sống chạy theo hào nhoáng của bản thân, theo thực tại tầm thường, theo những gì mà thiên hạ muốn mình theo mà quên mất bản thân mình. Với Holden, những người khác chỉ đang giả vờ làm người, chứ không thật sống như một con người. Tôi nghĩ Bắt trẻ đồng xanh là hình ảnh ẩn dụ về ước mơ được sống thật của Holden. Cậu nói cho em Phoebe nghe về mong muốn của mình, rằng cậu đứng trên một tảng đá đặt trong một cánh đồng xanh. Trong ấy, không có người lớn nào ngoài cậu và cậu sẽ bắt những đứa trẻ lại gần tảng đá. Bắt những đứa trẻ hay bắt lấy trái tim sống thuần khiết, đơn sơ, giản dị, hồn nhiên? Quả thật thế giới người lớn đã khiến hình ảnh tự thân của chúng ta vô cùng méo mó, lệch lạc và chạy theo xu hướng. Chúng ta sống giả tạo hơn và lấy làm hãnh diện với cái giả tạo xuẩn ngốc ấy. Nên Holden cứ mơ mình là một đứa trẻ. Để khỏi phải lớn. Khỏi phải bước vào cái thế giới phức tạp và tự lừa dối mình. Nhưng con người dù có chán nản đến thế nào thì cũng phải học- đó là lời tâm huyết của thầy Antolini dành cho cậu. Khi hiểu biết đủ nhiều ta mới thấy rõ mọi điều. Điều gì hợp và điều gì không hợp. Điều gì nên theo và điều gì nên buông. Quan trọng hơn là thấy chính mình. Như lời người thầy đã nói ‘thứ hiểu biết làm trái tim chú rất, rất âu yếm’. Tôi nghĩ giá trị nhân văn và giáo dục của tác phẩm quá sức lớn lao, nên nó đã vượt mọi lời chửi tục rất nhiều trong đó, để được đưa vào làm chương trình dạy học trong SGK ở các trường công Mỹ. Dù trước khi đưa đến quyết định này, nó đã gây rất nhiều tranh cãi nhưng chúng ta không thể phủ nhận những gì mà một văn học kinh điển để lại. (17.10.21)”

Review từ bạn Nguyễn Lê Ngọc Thịnh – Tiki, 2021

“Câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản, xoay quanh Holden, lời văn cục như tính tình Holden nhưng trong các câu chữ giản lược đó ta có thể cảm nhận được tình cảm, sự tốt bụng của cậu dành cho mọi người xung quanh, những suy nghĩ nội tâm của một đứa trẻ đang tuổi trưởng thành.”

Review từ bạn Cục Đá – Tiki, 2021

“Một câu chuyện kể về 4 ngày lang thang sau khi bị tống cổ khỏi trường học của tác giả. “Bắt trẻ đồng xanh” là cái mà tác giả thích làm nhất, lấy trong lời một bài thơ mà tác giả đọc được, đứng sau tảng đá trên cánh đồng lúa mạch xanh thấy đứa trẻ mải chơi không có người lớn đi canh chừng sẽ bắt. Đó chính là ý nghĩa của cụm từ bắt trẻ đồng xanh á ( cho những ai chưa biết)”

Review từ bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Tiki, 2021

“Truyện miêu tả rất rõ về tâm lý nhân vậy, một cậu bé 17 tuổi nhưng có những suy nghĩ khá trưởng thành. Cảm giác như những suy nghĩ của bản thân mình vậy ý.”

Review từ bạn Viễn Khánh – Goodreads, 2013

““Chẳng nghiêm túc khi anh mười bảy tuổi

Đêm tuyệt vời, bỏ chanh đá, la-de

Bỏ quán đông vui, đèn chùm sáng chói

Nhớ cây xanh, thơ thẩn dạo trên hè”

(Thơ Rimbaud- Trần Mai Châu dịch)

“Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người” (Bắt trẻ đồng xanh- Phùng Khánh dịch)

Tôi không định kể lại cho bạn nghe câu chuyện thế nào đâu, vì sự duyên dáng của người viết (J.D. Salinger) và người dịch (Phùng Khánh) đã là rất hay cho một câu chuyện, một quyển sách rồi. Tôi chỉ muốn nói nhăng nói cuội rằng tôi thích ơi thích hình ảnh người bắt trẻ đồng xanh mà tác giả phác họa. Đại loại là… ở một cánh đồng lúa mạch xanh rì nào đó trên mặt đất này, bên một mỏm đá gần bờ vực nào đó, có một người lớn (lớn hơn đám trẻ nhỏ đang chơi trò rượt bắt kia). Người lớn sẽ đứng ở đó, cứ như thế, nhìn đám trẻ con nô giỡn. Và nếu đứa trẻ nào băng qua cánh đồng, đến gần mỏm đá, nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, người lớn sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng, để chúng không ngã xuống. Đó là người bắt trẻ, người bắt trẻ đồng xanh…

Holden Caulfield đã nghĩ tới việc làm người lớn đó. Cái thằng 17 tuổi bỏ học, chẳng mơ bác sĩ, chẳng mơ kỹ sư, chẳng mơ gì sất, chỉ khoái tợn cái ý tưởng làm một người bắt trẻ như thế kia. Cái ý tưởng đúng là dễ thương theo một cách rất riêng. Thằng Holden ấy cứ chán, rồi ôm ghì lấy nỗi chán đời khỉ gió của nó mà bỏ đi, nó muốn về nơi xa lắc xa lơ nào đó, ruỗi ngựa trên đồng. Nghĩa là nó phải bỏ đi. Và đúng, nó bỏ đi thật. Nhưng cuộc đời có những cuộc đuổi bắt không ngờ. Có một người đuổi theo nó, cũng không hẳn là đuổi theo, mà là níu chân nó lại: em Phoebe. Em bé tí teo, em trong sáng, và thánh thiện, em cũng hay dỗi nữa. Holden đủ lớn để hiểu và yêu sự giận dỗi khởi phát từ tình thương ngây thơ của em. Holden rất mực thương em. Khi một người anh muốn bỏ đi mà còn nấn ná chưa đi ngay, thì một người em gái nhỏ nì nằn đòi đi theo, rồi giận, rồi hết giận, rồi ôm anh lại, hôn anh… là điều hoàn toàn có thể khiến kẻ làm anh kia chùn bước. Khi một người rất đỗi yêu thương cuộc sống này, vì quá đỗi yêu thương mà đâm chán ngán sự kệch cỡm, nhố nhăng nhặng xị thì cái duy nhất, cái còn lại có thể khiến người đó thấy yêu cuộc đời là nhận được một tình yêu, rất ngây ngô, rất đơn thuần, một tình yêu thôi. Những gì tương ứng mơ hồ giữ lại nhau. Đại loại là vậy.

Tôi không định kể lại cho bạn nghe câu chuyện thế nào đâu, vì có lẽ tôi sẽ phải đọc lại một lần nữa, rồi thêm một lần nữa.

Một lí do khác khiến tôi không kể, bạn có biết vì sao không?

Vì khi tôi khởi sự kể cho bạn nghe về cuốn sách này, tôi bỗng thấy nhớ ơi nhớ cái thằng Holden Caulfield mắc dịch đó, nhớ cả em Phoebe đáng yêu, nhớ điệu nhạc “Oh! Marrie”, nhớ cơn mưa bất chợt đổ xuống buổi chiều, rũ sạch sự chán ngán ủ ê nào đang giăng mắc trong đầu của cái thằng khỉ gió Holden, để nó không bỏ đi nữa, để nó đứng đó nhìn em Phoebe, nhìn vòng ngựa quay trong điệu nhạc. Quay đều, quay đều. Nó cứ đứng đó hoài, mặc cơn mưa rơi, rơi, ướt sũng.

Nó không đi.

Nó không bỏ đi nữa.

“Bạn đừng có kể cho ai nghe bất cứ cái gì. Nếu bạn kể, bạn tự dưng khởi sự nhớ tất cả mọi người””

Review từ bạn My Tran – Goodreads, 2017

“Tôi hoàn thành quyển sách này trên đường đi du lịch Mexico. Tôi rất thích đọc sách khi đi du lịch, vì cái sự nhàn nhã, vô ưu khi đọc ở một nơi mới mẻ.

Lúc bắt đầu cầm quyển này lên, tôi không có nhiều cảm tình với nó lắm.

Vì tôi bắt đầu đọc được dăm ba trang rồi lại bỏ xuống, dở dang như vậy đã vài lần rồi. Vì nó thuộc dạng sách kinh điển mà dường như cả thế giới ai cũng đã đọc qua, ngoại trừ sự muộn màng của chính tôi. Hơn thế nữa, đây là quyển thuộc dạng hot-shot, sách làm đẹp kệ, làm đẹp cái lý-lịch-đọc, nên ai muốn tỏ vẻ mình là người đọc có gu thì lúc nào cũng mang theo kè kè cạnh bên.

Mà tôi vốn ghét chỗ đông người, nên cái gì nổi danh, theo thuở theo thời, người đời bu bám thì tôi lại thường xa lánh.

Thế nhưng sau khi đọc xong, tôi nhận ra nhiều điều:

– Đọc sách chỉ là một loại lạc thú, mà đã là lạc thú thì cứ phải nhẩn nha đắm chìm theo cái nhịp của mình, chứ không phải chạy đua theo cái guồng của nhân loại.

– Nên xem việc đọc sách cũng giống như gặp gỡ một con người, không có sớm cũng không bao giờ là quá muộn, một quyển sách vô tình đọc được trong đời là một quyển sách mà mình cần đọc, dù thế nào đi nữa, chỉ có đúng thời điểm hay là không, và quan trọng là mình học được cái gì từ quyển sách/con người đó

– Không ai đọc thật sự đọc một quyển sách hai lần, hoặc là ta đọc lại và để ý đến một chi tiết mới mẻ khác, hoặc là chính ta đã đổi thay từ cái lần đầu tiên đọc xong đặt xuống.

– Vẻ đẹp của việc đọc chính là, cùng một quyển sách nhưng không có hai người đọc có cùng một cảm xúc chính xác giống như ai. Mỗi một người đều đọc với một tâm thế khác nhau, truy cầu nhiều điều khác nhau, đọc với sự trải nghiệm, tính cách, sự thiên vị, định kiến, và văn hóa khác nhau…

Tôi đọc quyển sách này sau khi đã dấn thân vào việc đọc cũng kha khá lâu. Lâu đủ để biết sách gì mình muốn đọc và thích đọc. Lâu đủ để hiểu mình thích gì. Đủ để biết nguyên chỉ việc đọc thôi đã là đáng quý, con người ta lẽ ra không nên dùng thể loại sách người khác đọc để đánh giá lẫn nhau.

Cũng chẳng biết vì cơ duyên hay vì may mắn mà tôi đọc quyển sách này sau khi đọc xong On Writing Well (William Zinsser) và một vài quyển sách khác về chủ để viết lách. Bởi vì, đọc sách về viết lách đã thay đổi cách mà tôi đọc.

Giống như cái ngày tôi học được rằng, chỉ cần cách mình nhìn thế giới thay đổi, thì ngay cả con đường mình đi làm – về nhà mỗi ngày cũng ngập tràn những điều kỳ diệu mới mẻ.

Đọc để mà học viết, tôi đọc với một cái nhìn mới mẻ. Đọc với suy nghĩ “giả sử mình là người viết thì mình sẽ viết thế nào?”. Đọc để học nên tôi để ý nhiều đến phong cách viết, hơn là phán xét nội dung sách.

Chính vì vậy mà tôi rất thích quyển sách này. Thích không phải vì nội dung sách hay, không phải vì câu chuyện viết tốt, có kết có mở có nút thắt, có cao trào hấp dẫn, mà thích vì cách viết của tác giả.

Ông “đóng” trọn vẹn giọng văn lè nhè chán đời của một thằng nhóc trẻ trâu, nói lên những điều mỉa mai sâu cay, bộc lộ được tính cách của chính mình trong nhân vật tôi, nhạo báng được thói đời, sự chán ngán cuộc sống xô bồ ở thành phố New York… Tất cả đều được viết bằng một giọng văn tự sự gọn ghẽ, giản đơn, thẳng thừng, mà sâu sắc. Dường như không dư mà cũng không thiếu một câu chữ nào. Ngay cả việc chửi thề cũng là có dụng ý. Hẳn là phải viết xịn lắm thì mới viết được như vậy!

Với tư cách là một người thích đọc và thích viết, tôi không khỏi băn khoăn:

– Làm thế nào mà ông viết ra những gì mình muốn nói một cách tài tình đến thế?

– Làm thế nào mà ông viết được những thứ phức tạp bằng một cách giản đơn đến không ngờ?

Trái lại, cũng không có gì là khó hiểu nếu ai đó hoàn toàn không thích quyển sách này. Thật sự tôi có thể hiểu và thông cảm được. Giọng văn chán đời, buồn bã, lê thê, dường như không lối thoát và cũng không có hồi kết… Lại lắm thứ thô bỉ, chửi tục chửi thề.

Tôi đọc quyển sách bằng tiếng Anh. Dù chỉ đọc sơ qua một vài đoạn trong sách bằng bản dịch tiếng Việt, nhưng thấy cách dịch rất khác, không nói lên được giọng điệu của Holden.

Với riêng tôi, đây là một quyển sách được viết rất tốt, lại không dùng quá nhiều từ ngữ học thuật phức tạp, cầu kỳ hoa mỹ, nên đây quả thực là một trong những quyển dễ đọc bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, tác giả cũng lại dùng rất nhiều tiếng lóng – slang (hot-shot, horse around…), thành ngữ – idiom (all of a sudden, shot the bull…), chửi tục chửi thề – swear (sonuvabitch, helluva, hell, damn, goddam fuck…), và viết theo lối phát âm (ya, c’mon, wutdayc, what’re ya tryna do?, wuddaya…) nên có thể sẽ gây phiền nhiễu cho một số người đọc khó tính. Nếu không hiểu một vài chi tiết liên quan đến những yếu tố trên, người đọc chỉ cần skip bỏ qua, chắc chắn vẫn hiểu được nghĩa chung chung.”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách Bắt trẻ đồng xanh

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB