Review sách 21 bài học cho thế kỷ 21

21 bài học cho thế kỷ 21 (Yuval Noah Harari)

Sau khi tìm hiểu quá khứ và tương lai của nhân loại qua hai cuốn sách gây tiếng vang là Sapiens và Homo deus, Yuval Noah Harari đi sâu vào các vấn đề “ngay tại đây” và “ngay lúc này”, tức các sự kiện hiện tại và tương lai gần nhất của xã hội loài người.

Những triển vọng đầy hứa hẹn của công nghệ sẽ được đưa ra bàn luận bên cạnh những hiểm họa như “đứt gãy” do công nghệ gây ra, việc kiểm soát thế giới bên trong dẫn tới sự sụp đổ của hệ thần kinh hay “tự do trong khuôn khổ”. Chính trị và tôn giáo có còn bắt tay nhau như trong quá khứ hay sẽ thao túng con người theo những cách riêng rẽ, mới mẻ hơn? Và những vấn đề toàn cầu ấy liên quan mật thiết tới hành vi và đạo đức của từng cá nhân riêng lẻ như thế nào? Xét cho cùng, những thách thức lớn nhất và những lựa chọn quan trọng nhất của ngày nay là gì? Ta cần chú ý đến điều gì? Ta nên dạy con cái ta những gì?

“Cuộc khủng hoảng sinh thái đang lấp ló, mối đe dọa của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự trỗi dậy của các công nghệ đột phá mới” là những nỗi lo không của riêng ai; và Harari sẽ đồng hành cùng bạn trên con đường bóc tách từng vấn đề một cách thấu đáo.

Ảnh: Tiki.vn

Thông tin của tác

21 bai hoc cho the ki 21-min
Ảnh: Tiki.vn

giả Yuval Noah Harari:

Yuval Noah Harari sinh ra ở Kiryat Ata, Israel vào năm 1976 và lớn lên trong một gia đình Do Thái theo chủ nghĩa thế tục với nguồn gốc Lebanon và Đông Âu tại Haifa, Israel. Năm 2002, ông gặp người chồng hiện tại là ông Itzik Yahav, người mà ông gọi là “internet vạn vật của tôi”. Yahav cũng là người quản lý của Harari. Họ kết hôn trong một buổi lễ dân sự tại Toronto ở Canada. Cặp đôi sống trong một moshav (một loại cộng đồng nông nghiệp hợp tác của các trang trại cá nhân), Mesilat Zion, gần Jerusalem.

Ông là một nhà sử học người Israel và là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của các cuốn sách bán chạy thế giới Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018). Bài viết của ông xoay quanh ý chí tự do, ý thức và trí thông minh và hạnh phúc.

Các ấn phẩm ban đầu của Harari dành nhiều sự quan tâm đến những gì được ông mô tả là “cuộc cách mạng nhận thức” xảy ra cách đây khoảng 50.000 năm, khi Homo sapiens thay thế đối thủ Neanderthal, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, tạo ra một xã hội có cấu trúc, và trở thành động vật ăn thịt đầu bảng, được hỗ trợ bởi cuộc cách mạng nông nghiệp và được tăng tốc bởi phương pháp khoa học và cơ sở lý luận đã cho phép con người tiếp cận gần như làm chủ môi trường của họ.

Những cuốn sách gần đây của ông thận trọng hơn, và nghiên cứu các hậu quả của một thế giới công nghệ sinh học tương lai nơi sinh vật thông minh bị vượt qua bởi những sáng tạo của chính họ; ông đã nói Homo sapiens như chúng ta biết chúng sẽ biến mất trong một thế kỷ hoặc lâu hơn”.

Các cuốn sách khác của tác giả Yuval Noah Harari:

  • Lược sử loài người, NXB Tri Thức, 2014
  • Homo Deus: Lược sử tương lai, NXB Thế Giới, 2016

Tổng hợp review sách “21 bài học cho thế kỷ 21”

Review từ bạn an’s littleforest of books – Goodreads, 2021

““Do đó, bọn khủng bố giống một con ruồi cố phá hủy một tiệm đồ sứ. Con ruồi yếu đến nỗi không thể dịch chuyển dù chỉ một tách trà. Thế thì làm thế nào nó phá hủy được tiệm đồ sứ đây? Nó kiếm một con bò mộng, chui vào tai bò và bắt đầu bay vo ve. Con bò phát rồ vì sợ hãi và tức giận, rồi phá tan tiệm đồ sứ.”

Cũng giống như Sapiens và Homo Deus, 21 bài học cho thế kỷ 21 bàn luận về những vấn đề rất phức tạp như công nghệ, tôn giáo, chính trị,… Nhưng cũng như Sapiens và Homo Deus, Yuval Noah Harari đã tận dụng khéo léo tài ví von dí dỏm của mình trong 21 bài học cho thế kỷ 21 để biến những thứ tưởng chừng như khó hiểu, trở nên vô cùng gần gũi.

Ngay từ Phần I, tác giả đã đối diện với một chủ đề đang vô cùng nóng bỏng – công nghệ. Chúng ta mải lo lắng về một ngày AI có thể có “ý thức” và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Nhưng thực tế là ngay bây giờ, khi bạn đang đọc bài viết này qua các công cụ tìm kiếm như Google, hay bạn biết đến mình qua các trang mạng xã hội như Facebook, bạn đã trở thành một phần của mạng lưới mua bán trao đổi thông tin cá nhân lớn nhất toàn cầu.

Như một câu hỏi nổi tiếng: “Nếu bạn không trả tiền để sử dụng sản phẩm, thì bạn chính là sản phẩm.”

Câu nói này không áp dụng cho tất cả mọi dịch vụ miễn phí (ví dụ như Wikipedia) nhưng đặc biệt đúng với Google và Facebook. Cái đích cuối cùng của những ông lớn này không phải chỉ là đặt vài ba cái quảng cáo lên newsfeed của bạn, mà là phải giữ bạn ở trên trang lâu nhất có thể, thu thập được nhiều dữ liệu về bạn nhất có thể – bạn thích ăn gì, thích đi du lịch ở đâu, thậm chí bạn thích ai,… những dữ liệu này tạo ra giá trị khổng lồ gấp nhiều lần doanh thu quảng cáo. Bởi vì khi bạn tưởng rằng mình đang đưa ra quyết định thông minh khi chọn mua một sản phẩm này, thực ra quyết định đó là kết quả của những thuật toán đã được chuẩn bị dựa trên dữ liệu về chính bạn, để sao cho quảng cáo sản phẩm ấy xuất hiện tại đúng thời điểm, đúng vị trí, khiến bạn đưa ra quyết định mua ngay lập tức. Facebook có thể hiểu bạn hơn chính bạn.

Không thể nói rằng mình đồng tình với tất cả mọi quan điểm của tác giả, nhưng đó chính là khoa học. Khoa học thì không có một kết quả đúng duy nhất và mãi mãi, nó đòi hỏi ta phải không ngừng tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm để chứng minh giả thuyết của mình là đúng. Có rất nhiều thứ chỉ thời gian mới có thể trả lời được chính xác.

Vậy mọi người có thể đặt ra câu hỏi: Thế thì đọc quyển sách này để làm gì?

Chúng ta không đọc để thấy một câu trả lời có sẵn, chúng ta đọc để bị kích thích, để đặt ra càng nhiều câu hỏi hơn.

Như một lời trích dẫn mình rất thích trong The Color Purple:

“I think us here to wonder, myself. To wonder. To ask. And that in wondering about the big things, you learn about the little ones, almost by accident. But you never know nothing more about the big things than you start out with. The more I wonder, he says, the more I love.”

Nếu bạn cũng giống mình, từng bỏ dở cuốn sách này, nghĩ rằng nó không xứng đáng, hoặc bạn không có đủ thời gian, mong bạn hãy cho nó một cơ hội nữa nhé. Mình đã làm vậy, và giờ mình thấy may mắn vì mình đã không bỏ cuộc.

Những chia sẻ trên đây chỉ là góc nhìn bé xíu như cái chấm của mình trong đại dương kiến thức vô tận, thật vui nếu mình được nghe chia sẻ của bạn nữa!”

Review từ bạn Nguyên ngộ ngộ – Goodreads, 2019

“[21 bài học cho thế kỷ 21]

Dù biết ở tuổi này, cơm áo gạo tiền ghì sát đất nhưng thỉnh thoảng cũng ngẩng lên nhìn mây trời về đâu, đúng hok cả nhà…?

Quyển sách 21 phần, kể về góc nhìn của tác giả trong 21 vấn đề khi CÔNG NGHỆ AI mash up SINH HỌC. Bủm thích 4 phần trong số đó: công việc, tự do, bình đẳng, ý nghĩa cuộc đời. Nó ko chỉ gần mình mà còn mở ra những câu hỏi vốn trước giờ không nghĩ đó là câu hỏi ^^.

Ví dụ nha

+ Nếu xe tự lái vận hành, vào tình huống lưỡng nan đi thẳng tông 2 đứa nhỏ, né sang làn khác thì chủ nhân ngồi sau xe sẽ chết vì bị tông ngược chiều, vậy chiếc xe sẽ tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức nào? giết chủ hay giữ trẻ? Nguyên tắc đạo đức đó của triết gia nào? haha, căng liền.

+ Data trong tương lai ai sẽ quản lý, thuộc về công ty hay chính phủ, hay ai? Nếu người đó quản lý, thì “cái gì” quản lý người đó. Ai canh gác người canh gác?

+ Sinh học đang phát triển mạnh mẽ, con người dễ dàng tăng tuổi thọ, bất tử, upgrade não. Nếu vậy thế giới tương lai tạo ra một dạng phân biệt mới trước giờ chưa có: PHÂN BIỆT SINH HỌC. những người có tiền mua, cấy gói “SINH HỌC XỊN” vào gen thì auto ĐẸP, BẤT TỬ, THƯỢNG ĐẲNG hơn đồng loại?

Điểm hay của quyển này là mở ra cho bủm nhiều câu hỏi mới mới nghe có vẻ trời cao nhưng ngẫm lại thì rất là mặt đất.

Còn các thần dân vương quốc đọc rồi, thấy sao?”

Review từ bạn Quân Khuê – Goodreads, 2021

“Cuốn này gần như là tập hợp các bài báo hơn là một cuốn sách hoàn chỉnh, mặc dù Harari đã cố ý xâu chuỗi các chương với nhau, kể cả như vậy thì ta vẫn có thể đọc theo bất cứ trật tự nào. Harari vẫn viết rất hay về công nghệ, tương lai, chủ nghĩa quốc gia, khủng bố, tôn giáo, giáo dục nghĩa là hầu hết các chương trong sách. Những ý tưởng của ông có thể không hoàn toàn original, nhưng cách viết của ông rõ ràng và duyên dáng. Chẳng hạn khi ông viết về quyền lực có thể bóp méo chân lý như thế nào, ông ví quyền lực như cái búa mà có búa trong tay thì thấy cái gì cũng là đinh, hay đoạn châm biếm tôn giáo như fake news hàng triệu người tin qua hàng ngàn năm.

Có vài chương đuội hơn những chương khác, chắc bôi ra cho đủ số 21. Tuy vậy, vẫn là một cuốn sách rất đáng đọc. Sách mua ở Fahasa rẻ hơn Thái hay Sing là cái chắc.”

Review từ bạn Rosie Nguyễn – Goodreads, 2019

“Harari vẫn giữ sự hài hước, châm biếm và tràn ngập thông tin và lý luận sắc bén trong quyển sách này. Tuy vậy, quyển này có hơi nặng mùi phê phán quá và cá nhân mình không quá khoái phong cách như vậy.

Nhưng nói chung, có nhiều thông tin và ý tưởng khá thú vị. Một cuốn sách rất nên đọc để có thêm nhiều từ vựng cho GRE/GMAT hihi.”

Review từ bạn Vui Lên – Goodreads, 2022

“Mình thích Sapiens và Homo Deus hơn.

Vẫn là sự uyên bác về tôn giáo, văn hóa, lịch sử… trong cách nhìn nhận vấn đề. Vẫn nhiều yếu tố hài hước châm biếm. Tuy vậy, mình thấy cuốn này có phần không rõ ràng và tham lam trong việc đưa ra nhiều vấn đề mà không có bài học thực sự cụ thể.

Nếu đọc cuốn này trước, sau đó đọc 2 cuốn còn lại có khi mình lại đánh giá cuốn này cao hơn.

Vẫn là một cuốn sách hay để hiểu về những vấn đề vĩ mô trên thế giới và sự ảnh hưởng của nó tới thế giới quanh ta. Cũng giúp người đọc mở mang nhiều góc nhìn thú vị, đặc biệt là chắc sẽ truyền cảm hứng thực hành thiền cho nhiều bà con đấy.”

Review từ bạn Finn Buser – Goodreads, 2021

“Không cần đọc hết 21 bài học để hiểu thông điệp của tác giả. Có thể đọc theo bất cứ thứ tự nào tùy thích, cá nhân mình đọc phần đầu và phần cuối trước, các phần giữa mình chỉ đọc lướt qua.

Mình ấn tượng cách viết vừa khiêm tốn lại vừa có thể châm biếm, nhờ vậy việc đọc thú vị và bớt khô khăn hơn rất nhiều.

Mình thích quan điểm: ‘con người dành quá nhiều thời gian để đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong khi ngộ nhận quá nhiều về bản thân mình’.

5 sao không dành cho sự hoàn hảo, nó dành cho những sự thay đổi có chiều sâu về nhận thức.”

Review từ bạn Thuỷ Sún – Goodreads, 2020

“Những điều mình thích trong cuốn sách này:

  1. Anh có thể lừa tất cả mọi người vào một lúc nào đó và một số người vào mọi lúc, nhưng anh không thể lừa tất cả mọi người vào mọi lúc được.
  2. Công nghệ robot tiếp tục phát triển, một số công việc cho con người có thể bị đe dọa bởi tự động hóa trong tương lai. Các giải pháp tiềm năng rơi vào 3 nhóm chính:

– làm gì để ngăn tình trạng mất việc làm

– làm gì để tạo ra đủ việc làm mới

– làm gì nếu, dù đã cố hết sức, việc làm bị mất đi vẫn vượt quá số việc làm được tạo ra…

  1. Khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào Google để tìm câu trả lời thì khả năng tự tìm kiếm thông tin của chúng ta sẽ ngày càng thu hẹp.
  2. Trí tuệ là khả năng giải quyết vấn đề.

Ý thức là khả năng cảm nhận những thứ như đau, vui, yêu và giận.

Chúng ta thường có xu hướng nhầm hai thứ với nhau bởi vì ở con người, trí tuệ đi đôi với ý thức.

  1. Tất cả quyền lực và của cải sẽ tập trung vào tay một nhóm tinh hoa cực nhỏ, trong khi hầu hết mọi người sẽ hứng chịu không phải sự bóc lột mà là một thứ khác tồi tệ hơn rất nhiều: Sự vô dụng :((
  2. Ngày nay, 1% những người giàu nhất sở hữu một nửa của cải của thế giới. Đáng báo động hơn, 100 người giàu nhất cùng nhau sở hữu nhiều của cải hơn 4 tỷ người nghèo nhất.
  3. Trong một thế kỷ vừa qua, công nghệ đã tạo khoảng cách giữa chúng ta. Ta mải mê chìm vào điện thoại thông minh và máy tính. Ta hứng thú với những gì xảy ra trong không gian mạng hơn những gì xảy ra dưới phố.
  4. Người xứ Lạnh được giáo dục từ tấm bé là nếu gặp mâu thuẫn với ai đó ở trường, ở chỗ làm, hay thậm chí trong gia đình, tốt nhất là nên kìm nén lại. Nên tránh la hét, thể hiện sự giận dữ hay đối đầu với người kia, những cơn bùng phát nóng giận chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.

Người xứ Nóng được dạy từ thuở còn thơ là phải bộc lộ các mâu thuẫn ra ngoài. Nổi giận, la hét và nói cho người kia biết chính xác mình cảm thấy như thế nào. Đây là cách duy nhất để cùng nhau giải quyết mọi thứ một cách thành thật và trực tiếp.

Cả hai phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu, khó có thể nói cách này tốt hơn cách kia. Tuy nhiên, điều gì có thể xảy ra khi một người xứ Nóng di cư đến xứ Lạnh và làm việc?

  1. Một đồng xu nhỏ trong một lọ rỗng to thì rất ồn ào.
  2. Đừng bao giờ đánh giá thấp sự ngu xuẩn của loài người.
  3. Khi những con sói chơi với nhau, chúng có các nguyên tắc chơi công bằng. Nếu một con sói cắn quá mạnh hay tiếp tục cắn đối thủ đã nằm ngửa ra và đầu hàng, những con khác sẽ không chơi với nó nữa.
  4. Một lời nói dối được nói ra một lần sẽ mãi là lời nói dối, nhưng một lời nói dối được nói đi nói lại một ngàn lần sẽ trở thành sự thật.
  5. Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên chuyển sang việc dạy ”bốn chữ C”:

– Critical thinking (tư duy phản biện)

– Communication (giao tiếp)

– Collaboration (hợp tác)

– Creativity (sáng tạo)

  1. Bạn đã thấy những các xác sống lượn lờ trên phố trong khi dán mặt vào màn hình điện thoại chưa? Bạn nghĩ họ kiểm soát công nghệ hay công nghệ kiểm soát họ?
  2. Không quan trọng con đường của bạn là gì, miễn là bạn đi theo nó.
  3. Sự hy sinh không chỉ là cách chứng tỏ cho người yêu biết rằng bạn nghiêm túc. Bạn nghĩ sao phụ nữ đòi người yêu trao cho mình nhẫn kim cương? Một khi người yêu chịu hy sinh tài chính lớn lao đến thế, anh ta phải thuyết phục mình rằng đấy là một mục đích xứng đáng ^^”

Review từ bạn thaodocsachchovui – Goodreads, 2021

“Đây là cuốn sách được tạo nên từ những đúc kết tinh túy, từ những bài học phân tích để phù hợp với những năm đầu tiên của thế kỷ 21.

Chúng ta không thể biết được rằng liệu trong 20 năm tới đây, trí tuệ nhân tạo và robot có thống trị tất cả? Rất khó để có một câu trả lời chính xác. Nhưng điều mà chúng ta có thể thấy được là rất nhiều công việc của con người có thể bị mất đi, thay vào đó là những công nghệ tân tiến.

Vậy làm sao chúng ta có thể sống được trong một thế kỷ mà những thay đổi diễn ra liên tục như vậy? Chúng ta liệu có nên tin vào chính phủ và luôn luôn sợ hãi chủ nghĩa khủng bố. Tác giả khuyên chúng ta nên tập tư duy phản biện, bởi giữa một kỷ nguyên xoay quanh hàng tá dữ liệu thật giả lẫn lộn như thế thì chỉ nên tin vào chính mình.

Mình khá bất ngờ khi đọc đến chương “Thiền” cũng là chương cuối của tác phẩm, khi biết những lập luận, những góc nhìn sắc bén của tác giả đều xuất phát từ việc thực hành thiền để có thể nhìn sâu vào tâm trí của chính ông.

“…chúng ta đang sống trong thời đại giải mã máy tính, nhưng đấy thậm chí không phải là một nửa sự thật. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại mở khóa con người.”

“Thế nên nếu bạn muốn biết sự thật về vũ trụ, về ý nghĩa cuộc sống và về bản thể mình, vị trí khởi đầu tốt nhất là quan sát sự đau khổ và khám phá xem nó là gì.”

“…điều bí ẩn thực sự của cuộc đời không phải là cái gì xảy ra sau khi bạn chết mà là cái gì xảy ra trước khi bạn chết. Nếu bạn muốn hiểu cái chết, bạn cần hiểu sự sống.””

Review từ bạn Cuong Nguyen Michael – Goodreads, 2020

“Sách rất hay! Đơn giản chỉ là vậy.

Cách hành văn của tác giả khá đơn giản và thú vị, giúp người đọc có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng. Những vấn đề nổi cộm về công nghệ, chính trị, tôn giáo, con người … đều được tác giả mang ra mổ xẻ. Ông không áp đặt hết mọi thứ, mà đặt ra những câu hỏi mở để người đọc tự suy nghĩ (mà mình thấy là ngay cả chính tác giả cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng).

Thời gian mình đọc cuốn sách này khá dài, lý do là vì có nhiều thứ muốn đọc thêm trên Google để hiểu thêm về những khái niệm đc tác giả nói trong sách.

Chắc chắn là sẽ đọc lại thêm lần nữa :)”

Review từ bạn Phạm Đức Thái – Tiki, 2021

“Cuốn sách tiếp theo của Yuval Harari, lần này sách nặng tính triết học cao hơn. Đưa ra những nhận định, dự báo, xu hướng 21 vấn đề mà loài người sẽ gặp phải trong tương lai. Gần như là, tác giả đã tổng hợp những đề tài đã được đưa ra đâu đó ở các diễn đàn lớn trên thế giới, tóm gọn lại trong cuốn sách của mình để người đọc nắm bắt, quan trọng nhất tự mình đưa ra nhận định và có định hướng thay đổi để phù hợp với thế giới mới. Đây là gần như là 1 hướng dẫn thiết thực. Đặc biệt về phần việc làm, sự thay thế con người của robot, của AI v.v.. Tuy nhiên mình thích cuốn 1 hơn, đọc cuốn này nhức đầu phết!!”

Trên đây là thông tin sơ lược và review của một số bạn đọc về sách “21 bài học cho thế kỷ 21”

>> Xem thông tin sách trên Tiki hoặc Shopee hoặc Fahasa hoặc Kim Đồng

Tổng hợp bởi Nguyễn Hằng

Bạn có thể gửi bài review, cảm nhận sách về email: [email protected] để được đăng lên Facebook & Website. Bài gửi gồm nội dung review, 1 vài ảnh sách do bạn chụp, và thông tin STK để nhận phí kèm giới thiệu thông tin về bạn nha.

Tủ sách sẽ gửi một khoản phí nhỏ cảm ơn cho các bài viết được đăng lên Web/FB